QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA CỤC NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Cục Năng lượng nguyên tử là tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được thành lập theo Quyết định số 156/QĐ-BKHCN ngày 05/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Cục Năng lượng nguyên tử có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử trên phạm vi cả nước và các hoạt động sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý của Cục.

Cục Năng lượng nguyên tử đảm nhiệm vai trò là Cơ quan Thường trực của Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo tại Khoản 1 Điều 9 của Luật Năng lượng nguyên tử.

Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục ban hành kèm theo Quyết định số 1106/QĐ-BKHCN ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (thay thế cho Quyết định số 3228/QĐ-BKHCN ngày 23/10/2013), Cục Năng lượng nguyên tử có 05 phòng chức năng (gồm: Văn phòng, Phòng Chính sách Năng lượng nguyên tử, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ hạt nhân, Phòng Thông tin Năng lượng nguyên tử và Phòng Hợp tác quốc tế) và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Trung tâm Thông tin và tư vấn hạt nhân.

Ban Lãnh đạo Cục qua các thời kỳ như sau:

- Từ tháng 03/2010 đến tháng 09/2020:

       Cục trưởng: TS. Hoàng Anh Tuấn (03/2010 - 09/2020)

Phó Cục trưởng: ThS. Lê Doãn Phác (04/2010 - 01/2015)

                           ThS. Phạm Quang Trung (06/2010 - 03/2015)

                           ThS. Nguyễn Thị Thu Trang (04/2015 - 09/2020)

- Từ tháng 10/2020 đến nay:

Phó Cục trưởng phụ trách: TS. Trần Bích Ngọc (10/2020 - nay)

                Phó Cục trưởng: ThS. Nguyễn Thị Thu Trang (10/2020 - 10/2022)

                                           TS. Trần Quang Tuấn (02/2023 - nay).

Tính đến tháng 2/2023 tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Cục Năng lượng nguyên tử là 24 người.

Được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy và Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ, tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức của Cục Năng lượng nguyên tử luôn đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, học tập rèn luyện, vững mạnh về chuyên môn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Lãnh đạo Bộ giao. Với sự nỗ lực cố gắng phấn đấu, Cục Năng lượng nguyên tử được Chính phủ tặng Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2014; được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ năm 2014, tặng Bằng khen năm 2020 cho tập thể đã có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng nguyên tử giai đoạn 2016-2020, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ CHỦ YẾU

1. Công tác xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050

- Tham mưu, giúp Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương,… xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019 quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

- Chủ trì giúp Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 108/2020/QĐ-TTg ngày 21/1/2021 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan của các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ký Thông tư số 09/2022/TT-BKHCN ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật lập, thẩm định, công bố, điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Đây là cơ sở để phê duyệt dự toán kinh phí triển khai công tác lập quy hoạch.

Hiện nay Cục đang khẩn trương, tích cực giúp Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai xây dựng Quy hoạch.

2. Thực hiện vai trò là Cơ quan Thường trực của Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia (Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 08/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập của Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia)

- Giúp Hội đồng chuẩn bị chương trình công tác, kế hoạch làm việc; theo dõi, đôn đốc việc triển khai các Kế hoạch và Nghị quyết của Hội đồng và đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động của Hội đồng. 

- Chủ trì tổ chức Hội thảo quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội lần thứ I tại Đà Nẵng tháng 10/2014, lần thứ II, III và IV tại Hà Nội tháng 10/2016, tháng 10/2018 và tháng 7/2022.

- Chủ trì tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006 - 2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Hà Nội, tháng 10/2015); Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Hà Nội, tháng 12/2020).

2. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

- Chủ trì thống kê, tổng hợp, đánh giá hiện trạng và nhu cầu nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến năm 2020.

- Chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân (Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 15/10/2015); là đầu mối hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch. Trong giai đoạn 2013-2017, Cục Năng lượng nguyên tử đã chủ trì, phối hợp tổ chức trên 30 khóa bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài cho hơn 340 lượt cán bộ quản lý, kỹ thuật lĩnh vực năng lượng nguyên tử của các Bộ, ngành và địa phương.

- Ký kết và tổ chức triển khai thỏa thuận hợp tác về đào tạo, phát triển nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với: Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM), Công ty Năng lượng hạt nhân GE Hitachi, Công ty Điện lực Westinghouse, Viện Năng lượng hạt nhân quốc tế của Pháp (I2EN) và Đại học Hạt nhân quốc tế của Hàn Quốc (KINGS).

- Năm 2016, Cục đã tiếp nhận và khai thác Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tài trợ.

3. Phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia

- Chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân giai đoạn đến năm 2020 (Quyết định số 2241/QĐ-TTg ngày 11/12/2014); là đầu mối hướng dẫn, đôn đốc triển khai Kế hoạch, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì triển khai 4 dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia trong giai đoạn 2010-2016: Chủ trì tổ chức đợt làm việc với Đoàn công tác đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân (INIR) của IAEA vào tháng 12/2012 và Đoàn công tác Follow-up INIR vào tháng 11/2014; Chủ trì, phối hợp tổ chức cho hơn 300 lượt cán bộ Việt Nam đi tập huấn, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài và khoảng 170 lượt chuyên gia IAEA đến công tác tại Việt Nam; Điều phối xây dựng và triển khai Kế hoạch tích hợp phát triển CSHT hạt nhân giữa Việt Nam và IAEA (IWP) giai đoạn 2011-2015 và xây dựng Kế hoạch IWP giai đoạn 2016-2020.

- Chủ trì tổ chức làm việc với Đoàn công tác của IAEA về đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân cho lò phản ứng nghiên cứu mới (tháng 12/2018).

4. Công tác truyền thông về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử

- Chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28/2/2013); Cục là đầu mối hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án.

- Đầu mối triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ KH&CN và ROSATOM về hỗ trợ thông tin đối với các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân giai đoạn 2015-2020.

- Phối hợp với IAEA và các đối tác quốc tế tổ chức các hoạt động truyền thông về năng lượng nguyên tử.

- Chủ trì biên tập và xuất bản các ấn phẩm: “Các công trình nghiên cứu thực nghiệm và tính toán về các đặc trưng của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt”(NXB Khoa học & Kỹ thuật, 2015), “Điện hạt nhân - những hiểu biết cơ bản”(2013), “Năng lượng và năng lượng hạt nhân” (2013); xuất bản ấn phẩm định kỳ “Năng lượng nguyên tử và cuộc sống” (từ 2017 đến nay) và một số tài liệu, tờ rơi khác.

- Thu thập, tổng hợp cơ sở dữ liệu về các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử; thống kê, đánh giá và dự báo phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tổ chức các Hội thảo, tọa đàm về hợp tác đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương.

5. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

- Chủ trì ký kết và triển khai các văn bản Thỏa thuận hợp tác với các cơ quan, tổ chức khoa học và kỹ thuật hạt nhân lớn trên thế giới, như: Tập Đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM); Công ty Năng lượng hạt nhân GE Hitachi; Công ty Điện lực Westinghouse; Viện Năng lượng hạt nhân của Pháp (I2EN); Đại học hạt nhân quốc tế của Hàn Quốc (KINGS); Viện kỹ thuật hạt nhân thuộc Đại học tổng hợp công nghệ và kinh tế Buđapest - Hungaria; Tổ chức Khoa học và Công nghệ hạt nhân Úc (ANSTO); Viện Công nghệ bức xạ tiên tiến Hàn Quốc…

- Tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các Điều ước, Thỏa thuận quốc tế với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các quốc gia khác trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

- Chủ trì giúp Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia điều phối các hoạt động hợp tác kỹ thuật với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

- Chủ trì giúp Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Thỏa thuậnhợp tác ba bên giữa Việt Nam, IAEA và Lào/Campuchia nhằm cùng phối hợp hỗ trợ hai nước Lào và Campuchia phát triển ứng dụng NLNT, góp phần tăng cường cơ chế hợp tác kỹ thuật giữa các quốc gia đang phát triển và thúc đẩy hợp tác Nam - Nam.

6. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ

Cục Năng lượng nguyên tử chủ trì triển khai các Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình vận hành đến tính chất của nhiên liệu và vỏ thanh nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân VVER-1000” (năm 2012-2014); “Nghiên cứu xây dựng bản đồ công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế và công nghiệp” (năm 2018-2020) và gần 30 đề án, nhiệm vụ cấp Bộ về các vấn đề, như: Quản lý hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam; thúc đẩy phát triển năng lực kỹ thuật hình ảnh hạt nhân; tình hình ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; quản lý tri thức hạt nhân; chuyển giao công nghệ lò phản ứng phục vụ công tác quản lý nhà nước; đào tạo từ xa sử dụng mạng internet trong lĩnh vực hạt nhân (e-learning); Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu phục vụ vận hành, đào tạo và khai thác hiệu quả hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 do IAEA cung cấp… và các đề án, nhiệm vụ khác.

7. Công tác Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên

- Chi bộ Cục Năng lượng nguyên tử được thành lập theo Quyết định số 11-QĐ/ĐUB ngày 25/11/2010 của Đảng uỷ Bộ KH&CN và là Chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Bộ KH&CN. Chi bộ luôn thực hiện tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo trên tất cả các mặt công tác của Cục, xây dựng Cục Năng lượng nguyên tử là một tập thể vững mạnh về chuyên môn, đoàn kết, nhất trí và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Chi bộ Cục Năng lượng nguyên tử hiện có 16 đảng viên.

- Công đoàn Cục Năng lượng nguyên tử được thành lập theo Quyết định số 247/QĐ-CĐB ngày 10/11/2010 và là Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ. Những năm qua, Công đoàn Cục Năng lượng nguyên tử làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ của cơ quan, phát động và vận động đoàn viên trong Cục tích cực học tập và tham gia phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước do Bộ Khoa học và Công nghệ phát động; các công đoàn viên đều thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.

- Chi đoàn Cục Năng lượng nguyên tử được thành lập theo Quyết định số 08/QĐ-ĐTN ngày 08/8/2011 và là Chi đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ. Với lực lượng cán bộ trẻ, có năng lực và lòng nhiệt tình, Chi đoàn đã tham gia và thể hiện vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của Cục Năng lượng nguyên tử nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Chi đoàn Cục Năng lượng nguyên tử đã vinh dự được nhận Bằng khen của Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương năm 2021.