Động thổ nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ11:37:00 06/05/2015

Các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và các công ty liên quan đã bấm nút khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy Akkuyu do Nga thiết kế đặt tại Mersin, trên bờ Địa Trung Hải là nhà máy đầu tiên trong số ba nhà máy điện hạt nhân Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch xây dựng để giúp thúc đẩy nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Ông Yıldız (giữa) và ông Kirienko (thứ hai từ bên phải) ấn nút khởi động dự án Akkuyu

 

Công việc xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu trong năm nay hoặc năm sau cho tổ máy đầu tiên trong bốn tổ máy của Akkuyu, mỗi tổ máy có công suất 1200 MWe theo thiết kế của Gidropress, dùng lò phản ứng nước áp lực AES-2006 VVER. Nhà máy được Nga tài trợ theo mô hình B.O.O (Xây dựng – Sở hữu – Vận hành) theo một thỏa thuận liên chính phủ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên bang Nga trong năm 2010. Dự án này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz và Tổng Giám đốc Rosatom Sergey Kirienko đã đặt viên đá đầu tiên trong lễ khởi công xây dựng, báo hiệu sự khởi đầu của dự án trị giá 22 tỷ Đôla.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Yildiz nói “Phát triển kinh tế không thể diễn ra trong một đất nước không có năng lượng hạt nhân”. Ông cũng nói thêm rằng nếu nhà máy Akkuyu đã được xây dựng từ một thập kỷ trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể tiết kiệm 14 tỷ USD mua khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân giờ đây có thể đáp ứng 28% nhu cầu điện của nước này. Dự án sẽ sử dụng khoảng 10.000 người.

Bộ trưởng cũng lưu ý rằng điện hạt nhân chiếm khoảng 11% tổng sản lượng điện toàn cầu. Ở Pháp điện hạt nhân chiếm khoảng 78%, ở Nga và Mỹ nó chiếm 19%, và ở Đức là 16%. Ông cho biết Hoa Kỳ hiện có 100 lò phản ứng điện hạt nhân và đang xây dựng thêm 5 lò khác, trong khi Nga có 34 lò và đang xây dựng thêm 9 lò, còn Trung quốc có 24 lò phản ứng và cũng đang xây dựng thêm 24 lò. Pháp có 54 lò phản ứng và Đức mặc dù đã dừng 8 trong số 17 lò phản ứng của họ, nhưng 9 lò còn lại vẫn sẽ tiếp tục hoạt động.

Ông Yildiz cho biết, bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ dài 8484 km và nhà máy đang được xây dựng trên một khu vực dài hai cây số. Ông nhấn mạnh rằng nhà máy Akkuyu “không nằm trong khu vực động đất” và rằng các nhà máy mới trong mọi trường hợp sẽ được xây dựng để chịu được động đất lên đến 9 độ Richter. Ông Kirienko nói thêm rằng công nghệ lò phản ứng hiện đại đang có sẽ ngăn chặn các tai nạn kiểu Fukushima Daiichi xảy ra tại Nhật Bản vào năm 2011.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần trước đã chấp thuận văn kiện phê chuẩn của Quốc hội về một thỏa thuận liên chính phủ với Nhật Bản để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai của đất nước, đặt tại Sinop trên bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ. Quyền sở hữu của nhà máy công suất 4800 MWe sẽ được phân chia giữa Tổ hợp gồm công ty Mitsubishi và Itochu của Nhật Bản, với Areva và GDF Suez của Pháp, chiếm cổ phần 65%, còn lại là Nhà sản xuất điện nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ EUAS chiếm 35%. Areva và Mitsubishi sẽ cung cấp bốn lò phản ứng ATMEA1. Việc xây dựng nhà máy dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2017, khi bản đánh giá tác động môi trường (DTM) đã được phê duyệt.

Bộ Môi trường và Quy hoạch đô thị đã phê duyệt báo cáo ĐTM đối với dự án Akkuyu trong tháng 12. Công ty Cổ phần điện hạt nhân Akkuyu và công ty Nga chịu trách nhiệm về dự án đã nộp báo cáo vào tháng 7 năm 2013.

Công ty cổ phần Akkuyu công bố trước đó rằng họ đã trao hợp đồng chìa khóa trao tay cho công ty Cengiz Insaat Sanayi ve Ticaret AS để thiết kế và xây dựng các hạ tầng kỹ thuật về thủy lợi ở ngoài khơi của dự án. Nhà thầu khác tham dự thầu cho hợp đồng đó là: Tập đoàn STFA-Makyol-Ronesans; Kolin Insaat Turizm sanayii Ve Ticaret AS; và Ictas Insaat Sanayi Ve Ticaret AS.

Phòng Thông tin NLNT

Nguồn: World Nuclear News (ngày 15/4/2015)