IAEA tổ chức Cuộc họp kỹ thuật về các phương án phát triển điện hạt nhân tại Mỹ Latinh09:43:00 22/06/2015
Các đại biểu tham gia Cuộc họp kỹ thuật của IAEA tham quan nhà máy điện hạt nhân Atucha Tổ máy số 2 của Argentina ngày 5/6/2015.
Tại Cuộc họp của IAEA tổ chức đầu tháng 6/2015 tại Buenos Aires, thủ đô Argentina, các đại biểu đến từ các quốc gia Mỹ Latinh đang xem xét thực hiện chương trình điện hạt nhân đã thu được những hiểu biết quan trọng từ các quốc gia đã phát triển điện hạt nhân về cơ hội và thách thức trong việc triển khai các dự án điện hạt nhân mới. Tham dự Cuộc họp kỹ thuật có các nhà hoạch định chính sách, các nhà phát triển dự án và các chuyên gia khác đến từ Bolivia, Chile và Peru, cùng với các chuyên gia từ Argentina và Brazil. Khu vực Mỹ Latinh hiện có bảy lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, trong đó ba lò ở Argentina, hai lò ở Brazil và hai lò ở Mexico. Các đại biểu đã được nghe về chương trình điện hạt nhân của Argentina, đồng thời thảo luận về các chính sách năng lượng quốc gia và hiện trạng phát triển điện hạt nhân tại đất nước của họ. Chương trình Cuộc họp bao gồm chuyến thăm một ngày tới nhà máy điện hạt nhân Atucha, cách thủ đô Argentina khoảng 100 km về phía Tây Bắc. Phát biểu tại Cuộc họp, Ông Hernan Vera Ruiz, Điều phối viên Chương trình hạt nhân của Bộ Năng lượng Bolivia nhận định "Đối với Bolivia, quốc gia đang bắt đầu phát triển điện hạt nhân, Hội thảo này là một cơ hội tuyệt vời". "Chúng tôi có những hiểu biết sâu sắc về chương trình điện hạt nhân của Argentina, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức có liên quan. Chúng tôi cũng đã học hỏi được từ các quốc gia mới khác, họ cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự như chúng tôi. Chuyến tham quan tới nhà máy điện hạt nhân Atucha là một chuyến đi thú vị và cung cấp nhiều thông tin". Bà Marta Ferrari thư ký khoa học của IAEA tại Cuộc họp kỹ thuật cho biết các đại biểu hiện đã xem xét các hoạt động song phương và thấy rằng có không gian rộng lớn trong việc hợp tác giữa các nước Mỹ latinh. Vài năm trước, Uruguay và Chile đã bắt đầu tiến hành khảo sát việc phát triển điện hạt nhân và gần đây, Bolivia cũng bày tỏ sự quan tâm của họ trong việc đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng quốc gia. Các chuyên gia tham dự Cuộc họp này của IAEA cũng đã nhất trí tăng cường việc liên kết và trao đổi thông tin trong khu vực. Bà Ferrari cho biết “IAEA hợp tác chặt chẽ với các quốc gia đã có điện hạt nhân và các quốc gia mới triển khai chương trình điện hạt nhân, cung cấp hướng dẫn và tư vấn để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho điện hạt nhân”. “IAEA cũng hoạt động như một trung tâm nơi các quốc gia thành viên có thể gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các mạng lưới”. Tại sự kiện này, một vài tổ chức của nước chủ nhà đã chia sẻ kinh nghiệm về chương trình điện hạt nhân Argentina. Các tổ chức này bao gồm Bộ Kế hoạch liên bang, Ủy ban năng lượng nguyên tử Argentina (CNEA), Cơ quan pháp quy hạt nhân Argentina (ARN) và Công ty điện hạt nhân Argentina (NA-SA) - nhà vận hành điện hạt nhân quốc gia, chịu trách nhiệm về toàn bộ các dự án điện hạt nhân của Argentina. Các đại biểu chủ nhà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Argentina tham gia hợp tác khu vực trong lĩnh vực điện hạt nhân, động lực cho phát triển kinh tế. Năm 2006, Chính phủ Argentina đã thông qua một chính sách năng lượng hạt nhân bao gồm việc xây dựng ba tổ máy điện hạt nhân mới: NA-SA đã ký thỏa thuận với Công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc để xây dựng tổ máy thứ 3 và thứ 4 tại địa điểm Atucha, trong khi thỏa thuận với Liên bang Nga để thăm dò khả năng xây dựng tổ máy thứ 5 tại một địa điểm khác cũng được ký kết. Tại thành phố San Carlos de Bariloche, CNEA điều hành Trung tâm Nguyên tử Bariloche, nghiên cứu, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đã đào tạo các chuyên gia từ các nước khác nhau trong khu vực trong nhiều năm qua. Đối với ARN, họ đã xây dựng một mạng lưới quốc tế phục vụ đào tạo và hợp tác với các cơ quan pháp quy khác. Trong khi đó, NA-SA tập trung vào truyền thông, xây dựng một mối quan hệ bền vững với cộng đồng địa phương, thu hút sự tham gia và phổ biến kiến thức cho các bên liên quan tại địa phương và điều hành các chiến dịch thông tin thường xuyên. Chương trình điện hạt nhân của Brazil gồm hai tổ máy đang hoạt động tại Angra và một tổ máy khác đang trong giai đoạn xây dựng. Kế hoạch quốc gia đến năm 2030 của Brazil bao gồm việc bổ sung công suất phát điện hạt nhân từ 4000 đến 8000 MW. Việc lựa chọn địa điểm cũng đang được tiến hành.
Vũ Thùy Vân, Phòng Thông tin NLNT (Biên dịch và tổng hợp theo nguồn IAEA và Npsglobal) Tin Tức khác
|
Google translate Thông báo Liên kết
Thư viện ảnh Thống kê truy cập |