Chính phủ Nhật Bản phê duyệt Sách Trắng về Chính sách Năng lượng năm tài chính 201815:02:00 10/07/2019

Vào ngày 7 tháng 6 năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt Sách Trắng về Chính sách Năng lượng cho năm tài chính 2018 (năm tài chính tính đến ngày 31/3/2019). Đây là bản báo cáo tổng quan hàng năm về các chính sách cung cầu năng lượng, trong đó nêu bật những vấn đề lớn như các biện pháp đối phó với sự nóng lên toàn cầu, vấn đề năng lượng ở các quốc gia chủ chốt tham gia Hiệp định Paris cũng như các nỗ lực gần đây của Nhật Bản trong việc đối phó với thiên tai.

Sách Trắng đã đề cập đến tiến trình tái thiết Fukushima, chủ đề vẫn được thảo luận hàng năm kể từ khi xảy ra tai nạn vào năm 2011. Cụ thể, Sách Trắng đã nêu rõ hiện trạng ngừng hoạt động của các tổ máy tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima cùng với các biện pháp xử lý nước ô nhiễm.

Liên quan đến việc dỡ bỏ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng khỏi các bể chứa tại các nhà máy điện hạt nhân, Sách Trắng đã mô tả tổng quan quá trình dỡ bỏ nhiên liệu khỏi Tổ máy số 3. Mặc dù được chuẩn bị từ tháng 2 năm 2018 song việc dỡ bỏ nhiên liệu đã qua sử dụng đã không được bắt đầu vào giữa năm tài chính 2018 như dự kiến do các vấn đề về cơ sở xử lý nhiên liệu. Công việc tháo dỡ đã được thực hiện vào tháng 4 năm 2019 sau khi hoàn thành kiểm tra an toàn và các công việc liên quan khác.

Sách Trắng nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong việc thực hiện thông tin liên lạc hai chiều về tình trạng của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, đặc biệt là với cộng đồng địa phương. Các nỗ lực chính được kể đến gồm có: (1) thành lập một hội đồng với sự tham gia của đại diện địa phương và các tổ chức liên quan, (2) biên soạn các video và tờ rơi, (3) tham gia đối thoại trực tiếp với cư dân địa phương, (4) tổ chức quầy thông tin ở các sự kiện tại địa phương, và (5) lắng nghe ý kiến của địa phương và phản ánh các ý kiến này trong quá trình làm việc.

Sách Trắng cũng tóm tắt về sự hỗ trợ cho các nạn nhân của tai nạn hạt nhân, giải thích về Kế hoạch Fukushima cho một cộng đồng năng lượng mới và hiện trạng bồi thường thiệt hại hạt nhân.

Liên quan đến mục tiêu dài hạn của Nhật Bản là giảm 80% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050, theo hướng dẫn của Hiệp định Paris, Sách Trắng đã lặp lại sự khó khăn để có thể đạt được mục tiêu này nếu chỉ tăng cường thực hiện những nỗ lực thông thường. Nhật Bản sẽ giảm được đáng kể lượng khí thải nhà kính trong thời gian dài bằng cách thực hiện các hoạt động chiến lược như thúc đẩy đầu tư trong nước, củng cố năng lực cạnh tranh quốc tế và tích hợp trí tuệ của người dân.

Tháng 7 năm 2018, Nội các Nhật Bản đã thông qua Kế hoạch chiến lược năng lượng lần thứ năm. Khoảng 90% lượng khí nhà kính thải ra ở Nhật Bản có liên quan đến năng lượng. Do đó, Nhật Bản sẽ tăng cường các hoạt động nhằm đạt được cơ cấu năng lượng mong muốn vào năm 2030, tích cực hoàn thành sự thay đổi năng lượng để hiện thực hóa một “xã hội các-bon thấp” vào năm 2050.

Sách Trắng cũng so sánh các mục tiêu phát thải CO2, các nỗ lực và tiến trình đang được thực hiện ở một số quốc gia lớn, phân tích các yếu tố khác nhau liên quan đến các vấn đề nêu trên. Hiện tại, Nhật Bản đứng thứ 27 trong số 35 quốc gia OECD về lượng khí thải CO2 trên đầu người. Điều đó cho thấy Nhật Bản có hiệu quả cao về tiêu thụ năng lượng nhưng lại yếu về cung cấp năng lượng, theo đó khoảng 80% sản lượng điện phụ thuộc vào năng lượng nhiệt. Sách Trắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích cực giảm phát thải khí CO2, hướng tới việc hiện thực hóa các nguồn năng lượng phi hóa thạch. Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân, trong đó ưu tiên đảm bảo an toàn.

Nguyễn Thị Dịu, Phòng Chính sách NLNT

(Nguồn: www.jaif.or.jp)