Sản xuất đồng vị Tc-99m trên lò phản ứng phục vụ cho y học hạt nhân09:17:00 02/12/2019
Đồng vị phóng xạ sử dụng trong y tế chiếm khoảng 80% lượng đồng vị sản xuất trên toàn thế giới. Tùy theo từng loại bệnh lý và chỉ định trong quá trình điều trị, y học hạt nhân đòi hỏi sử dụng rất nhiều loại đồng vị phóng xạ khác nhau như các đồng vị sống ngắn phát xạ positron (11C, 13N, 15O, 18F...) cho xạ hình PET, PET/CT; các đồng vị sống dài và trung bình phát bức xạ gamma (67Ga, 201Tl, 111In, 99mTc, 113mIn, 131I, 133Xe...) cho xạ hình SPECT, SPECT/CT; các đồng vị phóng xạ sử dụng trong điều trị như 131I, 90Y, 153Sm, 32P... Trong số này, 99mTc là đồng vị quan trọng và được sử dụng phổ biến nhất, đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của lĩnh vực y học hạt nhân. Trong những năm gần đây, sự thay đổi về lối sống, sự già hóa dân số và gia tăng tuổi thọ trung bình đang gây ra cho các quốc gia ngày càng nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe con người. Một trong những thay đổi đáng chú ý là sự gia tăng tỷ lệ các bệnh mãn tính và không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh tim mạch và ung thư, hiện đang dẫn đầu trong các nguyên nhân gây tử vong. Vào tháng 5/2010, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết ngăn chặn xu hướng gia tăng tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm kết hợp các bệnh mãn tính trên toàn thế giới như là một trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Y học hạt nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh mãn tính và không lây nhiễm. Thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của lĩnh vực y học hạt nhân nhờ những tiến bộ vượt bậc về thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin. Từ các công nghệ hiện đại đã được áp dụng rộng rãi như PET, PET/CT, SPECT, SPECT/CT, các công nghệ mới được đưa vào thực hành lâm sàng như PET/MRI cùng nhiều kỹ thuật điều trị y học hạt nhân tiên tiến đều có vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy sự phát triển vượt bậc ở lĩnh vực này. Với xuất phát điểm là lĩnh vực chẩn đoán đơn thuần hỗ trợ cho quá trình điều trị, y học hạt nhân ngày nay đã trở thành công cụ hữu hiệu trong không chỉ chẩn đoán, quản lý, đánh giá hiệu quả tiến trình điều trị bệnh mà còn có nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh. Y học hạt nhân là lĩnh vực sử dụng đồng vị phóng xạ nhiều nhất trong y tế để phục vụ chẩn đoán, điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương... Theo số liệu cập nhật đến tháng 9/2019 của www.world-nuclear.org, khoảng 1,9% dân số ở các nước phát triển (chiếm khoảng ¼ dân số thế giới) sử dụng kỹ thuật chẩn đoán y học hạt nhân mỗi năm, tần suất điều trị bệnh bằng đồng vị phóng xạ khoảng 1/10 số này; có trên 10.000 bệnh viện trên toàn thế giới đang sử dụng các đồng vị phóng xạ phục vụ khám, chữa bệnh; tại Mỹ, mỗi năm có trên 20 triệu lượt xạ hình y học hạt nhân, số này tại Châu Âu là khoảng 10 triệu vàtại Úckhoảng 560.000; tỷ lệ sử dụng đồng vị phóng xạ trong chẩn đoán tại các nước phát triển gia tăng khoảng 10%/năm. Đồng vị phóng xạ sử dụng trong y tế chiếm khoảng 80% lượng đồng vị sản xuất trên toàn thế giới. Tùy theo từng loại bệnh lý và chỉ định trong quá trình điều trị, y học hạt nhân đòi hỏi sử dụng rất nhiều loại đồng vị phóng xạ khác nhau như các đồng vị sống ngắn phát xạ positron (11C, 13N, 15O, 18F...) cho xạ hình PET, PET/CT; các đồng vị sống dài và trung bình phát bức xạ gamma (67Ga, 201Tl, 111In, 99mTc, 113mIn, 131I, 133Xe...) cho xạ hình SPECT, SPECT/CT; các đồng vị phóng xạ sử dụng trong điều trị như 131I, 90Y, 153Sm, 32P... Trong số này, 99mTc là đồng vị quan trọng và được sử dụng phổ biến nhất, đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của lĩnh vực y học hạt nhân. Tầm quan trọng của 99mTc trong lĩnh vực y học hạt nhânY học hạt nhân sử dụng đồng vị phóng xạ chủ yếu để chụp xạ hình, đánh giá hoạt động, chức năng của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Đồng vị phóng xạ sử dụng chụp xạ hình phải có khả năng phát ra tia gamma có năng lượng đủ để thoát ra khỏi cơ thể nhưng không quá lớn có thể gây hại cho bệnh nhân, đồng thời phải có chu kỳ bán rã đủ ngắn để phân hủy nhanh chóng sau khi chụp xong. Cho đến nay, 99mTc vẫn là đồng vị quan trọng và được sử dụng phổ biến nhất trong y học hạt nhân vì mang những đặc điểm gần như lý tưởng cho xạ hình, đáp ứng tốt nhất đồng thời cả hai tiêu chí kể trên, bao gồm: - Chu kỳ bán rã 99mTc là 06 giờ, đủ dài để kiểm tra quá trình trao đổi chất nhưng đủ ngắn để giảm thiểu liều bức xạ cho bệnh nhân. - Quá trình phân rã 99mTc phát ra tia gamma và các electron năng lượng thấp, không phát ra tia alpha, beta năng lượng cao nên liều bức xạ cho bệnh nhân thấp (Dược chất phóng xạ lý tưởng dùng trong chẩn đoán là chất phát tia gamma đơn thuần. Các dược chất có lẫn alpha và beta sẽ không có lợi trong ghi hình vì những bức xạ này có khả năng ion hoá mạnh làm cho các mô bị tổn thương). - 99mTc phát tia gamma có năng lượng 140 keV (năng lượng bức xạ lý tưởng để ghi nhận trong khoảng từ 100keV đến 250keV), dễ dàng thoát khỏi cơ thể người và mức năng lượng này cho phép các đầu dò gamma dễ dàng phát hiện chính xác. - Hoạt động hóa học của Tc rất linh hoạt nên có thể tạo thành nhiều loại dược chất đánh dấu khác nhau bằng cách kết hợp với nhiều loại chất mang có hoạt tính sinh học riêng (Tc có thể tạo thành hợp chất với nhiều loại vật chất, từ các phân tử đơn giản như pyrophosphate tới các chất hữu cơ nhóm đường như glucoheptonate, từ peptide đến các kháng thể, từ các dạng colloide không hoà tan tới các chất kháng sinh và nhiều hợp chất khác nữa) nhằm đảm bảo nó sẽ tập trung vào đúng mô/cơ quan/bộ phận cần quan tâm và dùng được cho nhiều loại xét nghiệm chẩn đoán khác nhau. Xạ hình với 99mTC mang lại hiệu quả cao đối với nhiều cơ quan, bộ phận cơ thể khác nhau như: xương, tim (tưới máu, cơ tim), não, tuyến giáp, phổi (tưới máu, thông gió), gan, lá lách, thận (cấu trúc, tốc độ lọc), túi mật, tủy xương, tuyến nước bọt, tuyến lệ, nhiễm trùng và nhiều nghiên cứu y khoa chuyên ngành. - Việc chiết xuất, sử dụng 99mTc rất dễ thao tác đối với nhân viên y tế nhờ sử dụng các bình sinh xạ (generator - loại thiết bị chứa đồng vị 99Mo với chu kỳ bán rã 66 giờ, dần dần phân hủy thành 99mTc) được cung cấp cho các bệnh viện từ lò phản ứng hạt nhân, nơi các đồng vị được tạo ra. Theo đánh giá của Tổ chức Coherent Market Insights, thị trường đồng vị phóng xạ y học hạt nhân toàn cầu được định giá 4.986,4 triệu đô la Mỹ trong năm 2017 và dự báo sẽ luôn đạt mức tăng trưởng 8,9%/năm trong giai đoạn 2018 - 2026. Hiện nay, số lượng xạ hình y học hạt nhân sử dụng 99mTc là khoảng 40 triệu ca/năm (trên 80% tổng số ca xạ hình y học hạt nhân trên toàn thế giới) với nhu cầu ngày càng tăng do sự phát triển của lĩnh vực y học hạt nhân nói riêng và nhu cầu chẩn đoán, điều trị bằng các kỹ thuật tiên tiến sử dụng đồng vị phóng xạ của người dân nói chung. Đến đầu năm 2018, lượng đồng vị 99mTc sử dụng của thế giới đạt 9.400Ci/tuần. Trên thực tế, lượng đồng vị sản xuất tại thời điểm xuất xưởng (EOP) luôn phải cao hơn đáng kể lượng sử dụng tại các cơ sở y tế do sự phân rã 99Mo trong quá trình vận chuyển (đồng vị 99Mo có thời gian bán rã 66 giờ, nếu thời gian vận chuyển kéo dài thêm 1 ngày sẽ làm hao hụt đi khoảng 22% lượng đồng vị này). Tầm quan trọng của 99mTc lớn đến mức bất kỳ biến động nào về nguồn cung 99mTc (hoặc nói cách khác là nguồn cung 99Mo) toàn cầu cũng sẽ tác động không nhỏ đến lĩnh vực y học hạt nhân thế giới, đặc biệt là ở những nước phát triển, gây ngừng trệ việc chẩn đoán, điều trị bệnh của người dân, nhất là các bệnh hiểm nghèo, tác động xấu đến kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên,99mTc hiện chưa thể sản xuất một cách hiệu quả nếu không sử dụng lò phản ứng hạt nhân. Sản xuất, cung ứng 99Mo (sinh ra99mTc) sử dụng lò phản ứng hạt nhân
Hình 1. Quy trình sản xuất 99Mo trên thế giới. Hiện nay, gần như toàn bộ lượng đồng vị 99Mo phục vụ xạ hình y học hạt nhân của thế giới đang được sản xuất trên lò phản ứng nghiên cứu do chất lượng tốt cũng như tính kinh tế của phương thức này. Việc sản xuất, cung ứng 99Mo bao gồm 3giai đoạn chính: 1) Giai đoạn vận hành lò phản ứng, bao gồm 2 quy trình: - Phân hạch nhiên liệu hạt nhân (235U) trong lò phản ứng để tạo ra 99Mo và các sản phẩm phân hạch khác như 90Sr, 131I... Nhiên liệu sử dụng trong các lò phản ứng nghiên cứu gồm 2 loại có độ giàu cao HEU (hàm lượng 235U trên 20%) và độ giàu thấp LEU (hàm lượng 235U dưới 20%). Khoảng 75% đồng vị sản xuất từ các lò phản ứng nghiên cứu sử dụng nhiên liệu HEU (năm 2016). Các lò phản ứng sử dụng nhiên liệu LEU có hiệu suất sản xuất thấp hơn khoảng 20% so với các lò sử dụng nhiên liệu HEU. 99Mo sản xuất theo quy trình phân rã nhiên liệu hạt nhân mang lại hiệu quả cao, hoạt độ phóng xạ thấp nhất đạt 185TBq (5.000 Ci)/g. - Chiếu xạ đồng vị của các nguyên tố trong lò phản ứng. Dưới tác dụng của thông lượng nơtron cao, các đồng vị này sẽ “bắt giữ” nơtron và chuyển thành đồng vị phóng xạ. Một số loại cặp đồng vị bền/đồng vị phóng xạ y tế thường được sản xuất theo quá trình này như: 31P/32P, 46Ca/47Ca, 50Cr/51Cr, 58Fe/59Fe, 98Mo/99Mo, 124Xe/125Xe-125I, 130Te/131Te-131I... Tuy nhiên, 99Mo sản xuất theo cách này có hoạt độ thấp, tối đa khoảng 74 GBq (2Ci)/g (tùy thuộc vào thông lượng nơtron trong lò phản ứng). Các lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phục vụ sản xuất 99Mo chủ lực của thế giới hiện nay bao gồm: BR-2 (Bỉ), HFR (Hà Lan), LVR (Cộng hòa Czech), Maria (Ba Lan), Opal (Úc) và Safari Nam Phi), ... Bảng 1. Các lò phản ứng sản xuất 99Mo chính của thế giới năm 2018 (Nguồn NEA/SEN/HLGMR(2018).
2) Giai đoạn tinh chế 99Mo và sản xuất bình sinh xạ: - Các thanh nhiên liệu đã cháy trong lò phản ứng hạt nhân (hoặc các bia đã được chiếu xạ) được xử lý tại nhà máy của các công ty cung cấp đồng vị phóng xạ nhằm thu lại lượng đồng vị 99Mo. Một số công ty sản xuất, cung cấp đồng vị lớn của thế giới hiện nay là Curium Pharma (Mỹ), IRE (Bỉ), NTP (Nam Phi), ANSTO Health (Úc)... - Đồng vị 99Mo thành phẩm (dạng lỏng) được đưa vào bình chứa đặt trong các bình sinh xạ (là bình chứa bằng chì để ngăn phóng xạ). Sau quá trình phân rã, 99Mo sẽ sinh ra 99mTc để sử dụng tại các cơ sở y tế. Hình 2: Hệ thống bình sinh xạ.
Các công ty sản xuất, cung cấp đồng vị phóng xạ có thể chính là chủ sở hữu hoặc có mối liên hệ mật thiết với các lò phản ứng sản xuất đồng vị phóng xạ tương ứng. Bảng 2: Các công ty sản xuất, cung cấp99Mochính của thế giới năm 2018 (Nguồn NEA/SEN/HLGMR(2018).
3) Giai đoạn sử dụng tại bệnh viện: Nhân viên tại các cơ sở y học hạt nhân sẽ sử dụng 99mTc từ các bình sinh xạ để pha chế và tiêm cho bệnh nhân có chỉ định xạ hình, lượng dược chất phóng xạ này sẽ tập trung tại các cơ quan, bộ phận mục tiêu và phát tia gamma để máy có thể thu nhận được và cho ra hình ảnh mang thông tin về chức năng, chuyển hóa của cơ quan/bộ phận này, phục vụ quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh. Các bình sinh xạ sau khi được sử dụng hết (đồng vị 99Mo phân rã hết) sẽ được hoàn trả lại các cơ sở sản xuất, tái nạp 99Mo để tiếp tục sử dụng. Trong lịch sử phát triển, giá chiếu xạ nhiên liệu trong lò phản ứng không đủ hấp dẫn để khuyến khíchđược nhiều nhà đầu tư, do đó việc sản xuất đồng vị chỉ tập trung ở một số cơ sở vớiquy mô lớn để đảm bảo lợi nhuận. Ngay cả khi giá chiếu xạ nhiên liệu tăng lên cũng không dễ dàng thu hút đầu tư mới do các cơ sở cung cấp chính đang vận hành ổn định vàcó thể tăng công suất sản xuất để giữ thị phần làm cho các cơ sở mới với quy mô nhỏ hơn sẽ khó cạnh tranh trên thị trường. Suốt một quãng thời gian dài, khoảng ¾ lượng đồng vị 99Mo của thế giới được sản xuất từ 3 lò phản ứng: NRU ở Canada (30-40%), HFR ở Hà Lan (30%) và BR-2 ở Bỉ (10%). Năm 2010, khi NRU và HFR đồng loạt dừng hoạt động phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa ngoài kế hoạch đã gây ra khủng hoảng nguồn cung 99Mo thế giới trong thời gian hơn 1 năm (từ giữa năm 2009 đến gần cuối năm 2010). Trong thời gian này, một số cơ sở y học hạt nhân ở các nước phát triển đã bị gián đoạn hoạt động hoặc phải chuyển sang sử dụng đồng vị 201Tl (năng lượng gamma trong khoảng 70-80keV, chu kỳ bán rã 73 giờ, sản xuất trên máy gia tốc cyclotron, được sử dụng nhiều nhất đối với xạ hình tuyến giáp) chụp xạ hình đối với một số loại bệnh không phải chuyên của loại đồng vị này.Tháng 10/2016, NRU ngừng sản xuất do lò phản ứng này đã hết thời gian hoạt động, tuy nhiên khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung mới để ngay lập tức đáp ứng được nhu cầu 99Mo của thế giới lúc đó (NRU là một trong các lò sản xuất 99Mo chính) nên lò phản ứng này sau đó vẫn tiếp tục hoạt động với công suất giới hạn trong khoảng 2 năm (đóng cửa hoàn toàn vào năm 2018). Giống như trường hợp của NRU, lò phản ứng Osiris (Cộng hòa Pháp) đã bị đóng cửa vào năm 2015 nhưng sau đó vẫn tiếp tục được hoạt động đến năm 2016 để không gây gián đoạn nguồn cung. Kể từ năm 2017, các lò phản ứng chính khác của thế giới đã phải tăng sản lượng sản xuất để bù đắp thiếu hụt từ NRU, trong đó: HFR Hà Lan (40%), BR-2 Bỉ (20%), Maria ở Ba Lan (5%), Safari-1 ở Nam Phi (15%), Opal ở Úc (15%) và LWR-15 Czech (5%). Lò phản ứng Opal ở Úc trong năm 2017 sản xuất được 2.200Ci/tuần (15% sản lượng thế giới); công suất của lò phản ứng này sau đó tiếp tục được nâng lên và đạt 3.500Ci/tuần kể từ tháng 6/2018 (khoảng 24% lượng sản xuất của thế giới). Cho đến nay, phần lớn nguồn cung 99Mo của thế giới vẫn đang được cung cấp từ 6 lò phản ứng chínhvà 4 trong số này đều có tuổi thọ trong khoảng từ 45- 58 năm (tính đến tháng 6/2019). Hai lò phản ứng có công suất sản xuất lớn nhất hiện nay là Br-2 và HFR đều dự kiến dừng hoạt động vào năm 2026; hai lò công suất nhỏ hơn là RIAR và KARPOV dự kiến dừng hoạt động muộn nhất vào năm 2025. Ngoài ra, khi một trong các lò phản ứng này dừng hoạt động phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng cũng có khả năng gây ảnh hưởng tới thị trường 99Mo thế giới như đã từng xảy ra vào năm 2010. Trong khi đó, các nguồn cung mới đã được lên kế hoạch hoạt động trong giai đoạn từ năm 2013 (báo cáo tháng 3/2103 của NEA) đến nay mới chỉ có duy nhất lò phản ứng OPAL (Úc) là theo đúng kế hoạch. Các lò phản ứng khác đều bị chậm tiến độ so với dự kiến, tính đến đầu năm 2019 vẫn chưa có thêm cơ sở sản xuất quy mô lớn nào đi vào hoạt động. Các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển hiểu rõ điểm mấu chốt trong chuỗi cung ứng 99Mo toàn cầu đó là sự phụ thuộc vào số lượng quá ít các nguồn cung cấp với chỉ 5-6 lò phản ứng nghiên cứu chính. Ngay từ năm 2010, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã dự báo về sự thiếu hụt nguồn cung 99mTC ngày càng tăng, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất mới tham gia thị trường. Tháng 12/2012, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật sản xuất đồng vị y tế của Mỹ nhằm thiết lập một chương trình công nghệ trung lập hỗ trợ việc sản xuất 99Mo cho mục đích y tế tại Hoa Kỳ thông qua các tổ chức phi chính phủ. Giữa năm 2013, Quốc hội Mỹ kêu gọi các đề xuất mới về cung cấp 99Mo dựa trên LEU cho thị trường Mỹ với mục tiêu đạt sản lượng 111 TBq/ngày (khoảng ¼ nhu cầu thế giới). Liên bang Nga cũng đưa ra nhiều sáng kiến mở rộng sản xuất nhằm mục tiêu hướng đến việc cung cấp khoảng 20% nhu cầu 99Mo của thế giới. Theo thống kê tính đến cuối năm 2018 của Cơ quan năng lượng hạt nhân (NEA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một số cơ sở sản xuất 99Mo mới sẽ đi vào vận hành từ sau năm 2020. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn còn nhiều rủi ro vì một số cơ sở nằm trong danh sách này đáng lẽ đã phải đi vào hoạt động từ các năm trước đây như lò phản ứng ở Trung Quốc đã được dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017 (báo cáo 2013 của NEA). Bảng 3. Các lò phản ứng sản xuất 99Mo đã được lên kế hoạch hoạt động giai đoạn sau 2020 (Nguồn NEA/SEN/HLGMR(2018). Tháng 4/2009, NEA đã thành lập Nhóm cấp cao về an ninh cung cấp đồng vị phóng xạ y tế (HLG-MR) nhằmxác định khâu dễ bị tổn thương, các vấn đề cần giải quyết và các cơ chế có thể được sử dụng để tăng cường độ tin cậy nguồn cung cấp 99Mo/99mTc trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.Từ năm 2010 đến nay, NEA xuất bản Báo cáo thường niên về Cung ứng đồng vị phóng xạ y tế thế giới trong đó đưa ra thông tin về hiện trạng, đánh giá chuỗi cung ứng đồng vị phóng xạ toàn cầu cũng như dự báo nhu cầu đồng vị phóng xạ trong các năm/giai đoạn tiếp theo. Báo cáo năm 2010 của cơ quan này nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi cấu trúc kinh tế của chuỗi cung ứng để thu hút thêm đầu tư vào năng lực sản xuất cũng như năng lực dự trữ cần thiết đồng thời dự đoán tình trạng thiếu hụt nguồn cung99mTc sẽ xảy ra từ năm 2016, không chỉ đơn thuần do việc đóng cửa một số lò phản ứng mà còn do các hạn chế về chế biến thành phẩm. Tháng 12/2014, NEAđã ra tuyên bố chung (được hỗ trợ bởi 13 quốc gia: Úc, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Hà Lan, Ba Lan, Nam Hàn Quốc, Nga, Nam Phi, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ) về an ninh cung cấp đồng vị phóng xạ y tế trong đó tập trung vào 99Mo.Tuy nhiên, một vài thay đổi trong chuỗi cung ứng đồng vị toàn cầu đã được thực hiện sau đó theo khuyến cáo của NEA bao gồm đưa vào vận hành một số cơ sở sản xuất mới nên tình trạng thiếu nguồn cung đã không xảy ra năm 2016.Đánh giá tình hình của NEA vào tháng 6/2017cho thấy thị trường 99Mo đã được cơ cấu lại đáng kể sau cuộc khủng hoảng nguồn cung năm 2009-2010 và việc tái cấu trúc đã làm cho hiệu quả sử dụng vật liệu ở các khâu khác nhau trong chuỗi cung ứng tăng lên. Ngoài ra, một số cơ sở đã đẩy mạnh sản xuất, nâng công suất cung cấp trong giai đoạn 2017 - 2018 lên mức an toàn so với nhu cầu tăng hàng năm của thị trường. Tại Việt Nam, thị trường đồng vị phóng xạ khoảng 1.400Ci/năm (số liệu thống kê của Cục Năng lượng nguyên tử năm 2015). Việt Nam hiện nay có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Đà Lạt là cơ sở duy nhất sản xuất các đồng vị phóng xạ đời sống dài và trung bình với lượng khoảng 400Ci/năm. Cả nước cũng có 7 trung tâm gia tốc cyclotron đã và đang được xây dựng, với 5 trung tâm đã đi vào hoạt động trong đó 4 trung tâm đang sản xuất và cung cấp đồng vị sống ngắn phục vụ xạ hình PET/CT cho các cơ sở y tế trong cả nước. Đối với đồng vị Tc-99m cho xạ hình SPECT, SPECT/CT, hiện Việt Nam chủ yếu vẫn phải sử dụng từ nguồn nhập khẩu. Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử
Tài liệu tham khảo
Tin Tức khác
|
Google translate Thông báo Liên kết
Thư viện ảnh Thống kê truy cập |