Chiến lược khai thác tối đa tiềm năng của các lò phản ứng nghiên cứu10:02:00 17/12/2019

Việc sử dụng lò phản ứng nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của khoa học, giáo dục, công nghiệp, y học, và để khai thác hết tiềm năng của các lò phản ứng nghiên cứu cần có kế hoạch chiến lược. Trong số 224 lò phản ứng nghiên cứu hiện đang được vận hành ở 53 quốc gia, một số đã được khai thác hết công suất, một số khác thì vẫn chưa. Nhiều lò phản ứng nghiên cứu đã được xây dựng để giải quyết nhu cầu cấp thiết tại thời điểm bấy giờ, tuy nhiên, đến hiện tại, việc sử dụng chúng như thế nào cho hiệu quả cần được xem xét lại.

Vùng hoạt lò phản ứng nghiên cứu TRIGA Mark II tại Đại học Pavia.
(Ảnh: N. Pessoa Barradas/IAEA)

Nhiều lò phản ứng nghiên cứu đang vận hành hiện nay được xây dựng từ giữa thế kỷ trước, tại thời điểm đó chúng là một công cụ mới và đã có nhiều quốc gia quan tâm đến việc tìm hiểu, khám phá tiềm năng của chúng. Hiện nay, tiềm năng của các lò phản ứng nghiên cứu đã được hiểu rõ hơn và nhiều ứng dụng mới đang được khai thác. Nhiều quốc gia hiện đang tích cực hợp tác với nhau để tối đa hóa việc sử dụng các lò phản ứng nghiên cứu hiện có, trong khi đó một số nước khác đang xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng những lò mới với kế hoạch sử dụng tối ưu. Mục đích là khai thác triệt để lợi ích của những công cụ hữu hiệu này như phát triển các chương trình năng lượng hạt nhân, phục vụ nghiên cứu và phát triển, cung cấp dịch vụ phân tích và chiếu xạ, sản xuất đồng vị phóng xạ được sử dụng trong y học và công nghiệp.

Trong 5 năm qua, hơn 40 quốc gia đã nhận được hỗ trợ từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử (IAEA) trong việc thiết lập các ưu tiên và cải thiện kế hoạch vận hành cho hơn 50 lò phản ứng nghiên cứu. Những hỗ trợ này thường liên quan đến việc đánh giá nhu cầu của quốc gia và khu vực đối với các dịch vụ và sản phẩm tiềm năng của lò phản ứng, xác định thứ tự ưu tiên những nhu cầu này và kết hợp thực hiện chúng phù hợp với năng lực của lò phản ứng, đồng thời xác định mục tiêu vận hành lâu dài, bền vững.

Đầu năm 2019, IAEA đã tổ chức một đoàn công tác gồm các chuyên gia quốc tế  để đánh giá lò phản ứng nghiên cứu TRIGA Mark II 250 kW tại Đại học Pavia, Ý. Mục tiêu của Đoàn công tác là tập trung vào cải thiện việc sử dụng bền vững lò phản ứng nghiên cứu.

Đoàn công tác đã đánh giá kế hoạch chiến lược, kế hoạch vận hành tương ứng và mức độ ứng dụng lò phản ứng này dựa trên các số liệu hoạt động cơ bản, những cơ hội và ràng buộc có thể làm hạn chế hoạt động và sản phẩm của lò phản ứng, cũng như các khía cạnh để cải thiện việc sử dụng hiệu quả và bền vững cơ sở lò phản ứng.

Các chuyên gia của Đoàn công tác đã kết luận rằng lò phản ứng nghiên cứu này là một cơ sở cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cũng như trong y học, khảo cổ học và khoa học vật liệu, .... Họ cũng đưa ra các khuyến cáo và đề xuất để tăng cường hơn nữa việc sử dụng cơ sở lò phản ứng, bao gồm cả các phản hồi về kế hoạch chiến lược của cơ sở lò phản ứng, cũng như phát triển các hoạt động thông tin, truyền thông và mở rộng các hoạt động giáo dục.

 Ông Andrea Salvini, Giám đốc lò phản ứng nghiên cứu của Đại học Pavia cho biết “Việc sử dụng lò phản ứng và lập kế hoạch chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt đối với chúng tôi và các bên liên quan. Đoàn công tác của IAEA đã giúp chúng tôi chú trọng hơn vào cộng đồng người sử dụng và tăng cường tiềm lực khoa học ở các ứng dụng mới”.

Đoàn công tác đã đưa ra những nhận thức có giá trị và có thể được nhân rộng để hỗ trợ các nước trong việc phát triển các chiến lược quốc gia để sử dụng hiệu quả và vận hành bền vững các lò phản ứng nghiên cứu. Điều này đặc biệt cần thiết với các tổ chức không có khả năng thực hiện đánh giá tích hợp. Kinh nghiệm thu được từ Đoàn công tác ở Pavia được kỳ vọng sẽ giúp IAEA tăng cường hơn nữa việc đáp ứng các yêu cầu từ các quốc gia để giúp họ cải thiện việc sử dụng lò phản ứng nghiên cứu, trong đó có hoạt động Đánh giá tích hợp vấn đề sử dụng lò phản ứng nghiên cứu (IRRUR).

Các Đoàn đánh giá là một trong những kênh thông qua đó IAEA giúp các quốc gia cải thiện việc sử dụng bền vững các lò phản ứng nghiên cứu của mình. Đầu năm 2019, IAEA cũng đã khai giảng khóa học từ xa (e-learning) để cung cấp hướng dẫn về xây dựng lập kế hoạch chiến lược để sử dụng hiệu quả và bền vững các cơ sở khác nhau được vận hành bởi các tổ chức hạt nhân quốc gia, bao gồm các lò phản ứng nghiên cứu. Khóa học dựa trên ấn phẩm của IAEA “Lập kế hoạch chiến lược cho các lò phản ứng nghiên cứu” phát hành năm 2017. Song song với đó là các khóa đào tạo được hỗ trợ bởi IAEA, các chuyến tham quan và hội thảo chuyên gia và học bổng về các ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu, cũng như các cuộc họp kỹ thuật và các ấn phẩm. Nhiều tài nguyên trong số này có thể được truy cập thông qua Trung tâm thông tin lò phản ứng nghiên cứu, được lưu trữ trên nền tảng IAEA CONNECT.

 Đặng Chí Dũng, Phòng QLKH&CNHN

Nguồn: iaea.org