Belarus tiếp nhận thiết bị của IAEA để đánh giá các mối đe dọa phóng xạ liên quan đến cháy rừng14:02:00 09/06/2020
Nhân viên của phòng thí nghiệm di động đang được huấn luyện thực tế lấy mẫu đất và không khí trong Khu vực cấm Chernobyl vào tháng 5/2020. Khi các vụ cháy rừng xảy ra ở nơi có mức độ phóng xạ tăng đáng kể, chẳng hạn như trong Khu vực cấm Chernobyl nằm giữa Ukraine và Belarus vào tháng 4/2020, cả chính quyền và công chúng đều muốn biết liệu có mức độ rủi ro phóng xạ cao hay không. Tuy đã không có rủi ro như vậy xảy ra trong loạt vụ cháy rừng tại khu vực nêu trên (ở miền bắc Ukraine chỉ cách biên giới Belarus 16 km), thiết bị mới do IAEA gửi tới sẽ giúp ích hơn cho việc giám sát bức xạ trong tương lai. Các vụ cháy rừng diễn ra tại các vùng bỏ hoang của Khu vực cấm Chernobyl với diện tích 4760 km2 bao quanh nhà máy điện hạt nhân, nơi hầu như không có người ở kể từ sau vụ tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986. Trong trường hợp như vậy, cần có dữ liệu khoa học đúng đắn để có sự ứng phó phù hợp, bảo vệ sức khỏe của công chúng và nhân viên bị ảnh hưởng trực tiếp, như lính cứu hỏa, nhân viên kiểm lâm, lính biên phòng, nhà khoa học và kỹ thuật viên làm việc trong khu vực. Đáp ứng yêu cầu từ Belarus, IAEA đã giúp nước này thiết kế và cung cấp một phòng thí nghiệm di động với đầy đủ thiết bị, dụng cụ để giám sát bức xạ trong không khí và môi trường, hỗ trợ Belarus ứng phó kịp thời với các mối đe dọa phóng xạ do cháy rừng ở Khu vực cấm Chernobyl. Phòng thí nghiệm di động có khả năng hoạt động trên địa hình phức tạp và phục vụ cho một tổ làm việc bốn người. Nó được trang bị một thiết bị lấy mẫu không khí di động, máy quang phổ gamma cầm tay, máy theo dõi bức xạ để đo mẫu môi trường, một bộ dụng cụ lấy mẫu đất, quần áo bảo hộ cá nhân, thiết bị định vị và liên lạc, máy phát điện, không gian để làm việc với máy tính và các thiết bị khác. Các mẫu không khí được thu thập tại các vị trí cháy rừng cần phải được phân tích để xác định chính xác hoạt độ các đồng vị phóng xạ của các nguyên tố Caesium, Strontium và Transuranium. Các hoạt động này là một nội dung của dự án hợp tác kỹ thuật bắt đầu triển khai từ năm 2018, tập trung chủ yếu vào việc giúp các nhân viên khoa học và kỹ thuật của Khu bảo tồn phóng xạ Polessie - Belarus nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn của họ, đặc biệt là liên quan đến đo liều khi hít phải các hạt nhân phóng xạ, cũng như để xác định và cung ứng các thiết bị, dụng cụ và vật tư thích hợp phục vụ giám sát bức xạ, lấy mẫu không khí và đất, xử lý và đo mẫu. Ông Mikhail Patsiomkin, Chuyên gia trưởng tại Bộ Tình trạng khẩn cấp Belarus, cho biết “Các hoạt động đào tạo, tham quan khoa học, cung ứng thiết bị tư cần thiết cũng như phòng thí nghiệm X quang di động là một đóng góp đáng kể của IAEA để tăng cường các hoạt động của chúng tôi trong nghiên cứu và giám sát ô nhiễm phóng xạ. Đây chính là những gì chúng tôi cần trong giai đoạn này”. Cùng với việc thu thập và phân tích dữ liệu, truyền thông tới người dân địa phương là một phần quan trọng của việc ứng phó trong tình huống khẩn cấp, khi mà các khu rừng đang cháy cách nhà họ chỉ vài ki-lô-mét. Khi đánh giá các thách thức và mối đe dọa phóng xạ trong các vụ cháy cuối cùng ở khu vực cấm của Ukraine, giới truyền thông đã đề cập tới ý kiến mà Khu bảo tồn Polessie đưa ra với sự hỗ trợ khoa học và kỹ thuật của IAEA. Do đó, thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của Belarus hầu hết là đáng tin cậy và dựa trên căn cứ khoa học. Dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA hiện đã sắp kết thúc và Belarus đã được cung cấp các thiết bị tốt để đánh giá mối đe dọa phóng xạ có thể phát sinh từ các vụ cháy rừng trong tương lai. Nguyễn Thu Giang, Phòng Thông tin NLNT (theo IAEA.org) Tin Tức khác
|
Google translate Thông báo Liên kết
Thư viện ảnh Thống kê truy cập |