Phát triển năng lực giải quyết vấn đề axit hóa đại dương hướng tới một tương lai đại dương bền vững11:00:00 07/08/2020

Tại Diễn đàn Chính trị cấp cao (HLPF) về Phát triển bền vững do Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 7/2020, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cho thấy những đóng góp của mình trong việc hợp tác toàn cầu và nâng cao năng lực nhận biết tác động của vấn đề axit hóa đại dương đối với các hệ sinh thái biển và cộng đồng ven biển.

Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá việc thực hiện tất cả 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, với trọng tâm trong năm nay là "tăng tốc hành động và các lộ trình chuyển đổi để triển khai thập kỷ hành động và phát triển bền vững."

Trung tâm Điều phối quốc tế về axit hóa đại dương của IAEA (OA-ICC) đã phối hợp với Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO (IOC-UNESCO) và Mạng lưới quan sát axit hóa đại dương toàn cầu (GOA-ON) đồng chủ trì tổ chức một sự kiện bên lề của Diễn đàn với tên gọi “Phát triển năng lực giải quyết vấn đề axit hóa đại dương vì một tương lai đại dương bền vững” nhằm nêu bật những thành tựu và thảo luận cách thức đẩy mạnh việc xây dựng năng lực để tham gia Thập kỷ khoa học đại dương vì phát triển bền vững của Liên hợp quốc (2021-2030).

Ông Peter Swarzenski, Quyền Giám đốc Phòng thí nghiệm Môi trường của IAEA cho biết: “IAEA cam kết giúp các quốc gia sử dụng thông tin chính xác và các kỹ thuật hạt nhân chuyên biệt để giải quyết các thách thức phát triển và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của từng quốc gia, bao gồm cả Mục tiêu phát triển bền vững số 14.3 của Liên hợp quốc - giảm thiểu và giải quyết những tác động của vấn đề axit hóa đại dương thông qua tăng cường hợp tác khoa học ở tất cả các cấp”.

Ông Jan Newton, Đồng Chủ tịch của Mạng lưới GOA-ON cho biết: “Chúng tôi biết hiện tượng axit hóa đại dương đang diễn ra và chúng tôi cần tiếp tục hợp tác với các bên liên quan khác để đưa ra biện pháp xử lý. Các nguồn thông tin có được dựa trên quan sát rất cần thiết cho việc xây dựng chính sách, bao gồm cả chính sách quản lý nghề cá và nuôi trồng thủy sản”.

Sự kiện bên lề này có cuộc đối thoại của các chuyên gia hàng đầu về axit hóa đại dương và nâng cao năng lực đến từ Mạng lưới GOA-ON, Liên minh quốc tế chống axit hóa đại dương, Ban điều hành Chương trình Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững 2021-2030 của Liên hợp quốc và Trung tâm Địa Trung Hải về axit hóa đại dương. Các đại biểu đã chia sẻ những phương pháp để tăng cường phát triển năng lực trong tương lai hướng tới Thập kỷ khoa học đại dương vì phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Ông Marc Metian, một nhà khoa học làm việc tại Phòng thí nghiệm Môi trường của IAEA ở Monaco đã trình bày tổng quan về các dự án của IAEA hỗ trợ các quốc gia xây dựng năng lực giải quyết vấn đề axit hóa đại dương, thông qua Trung tâm OA-ICC, Chương trình Hợp tác kỹ thuật và Dự án hợp tác mới về Nghiên cứu axit hóa đại dương toàn cầu tác động đến hải sản. Trong thập kỷ qua, IAEA đã thực hiện nhiều thí nghiệm để nghiên cứu các tác động tinh vi của quá trình axit hóa đại dương đối với các loài sinh vật biển đa dạng, từ đó hiểu rõ hơn về cách thích nghi với môi trường biển đang thay đổi của chúng. Ông Metian cho biết: “Chúng tôi luôn tìm cách khuyến khích sự hợp tác trong cộng đồng khoa học và trao đổi thông tin đầy đủ với nhiều bên liên quan để thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo thêm các chuyên gia về axit hóa đại dương. Chúng tôi mong muốn nâng cao năng lực ở nhiều quốc gia để giúp họ dẫn đầu nghiên cứu axit hóa đại dương tại khu vực.”

Trung tâm OA-ICC được thành lập tại Monaco nhằm giúp các quốc gia thành viên nâng cao hiểu biết về mức độ gia tăng axit hóa đại dương có thể ảnh hưởng đến đời sống và việc thực hiện nội dung số 3 trong Mục tiêu sô 14 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là giải quyết vấn đề axit hóa đại dương. Kể từ khi thành lập Trung tâm OA-ICC vào năm 2012, IAEA và các đối tác quốc tế liên quan đã hỗ trợ và đào tạo hơn 700 nhà khoa học từ 72 quốc gia đang phát triển về vấn đề axit hóa đại dương. Trung tâm đã hợp tác với các đối tác như Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO (IOC-UNESCO), Mạng lưới quan sát axit hóa đại dương toàn cầu (GOA-ON), Chương trình axit hóa đại dương NOAA (NOAA OAP) và các đối tác khác trong việc tập trung thúc đẩy nghiên cứu axit hóa đại dương, cung cấp thiết bị giám sát giá rẻ, tổ chức hội thảo, đào tạo và hỗ trợ các nhà khoa học tham dự các hội nghị quốc tế.

 

Quá trình axit hóa đại dương là quá trình đại dương hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển, dẫn đến độ pH thấp hơn và độ axit cao hơn. Khoảng một nửa tổng lượng carbon dioxide do con người tạo ra kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp đã hòa tan vào các đại dương trên thế giới. Sự hấp thụ này làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu, nhưng cũng làm giảm độ pH của đại dương, khiến đại dương trở nên có tính axit hơn. Nước có tính axit hơn có thể ăn mòn các khoáng chất mà nhiều sinh vật biển dựa vào để xây dựng lớp vỏ và bộ xương bảo vệ của chúng. Độ pH của đại dương đã giảm từ mức trung bình lịch sử toàn cầu khoảng 8,16 xuống còn khoảng 8,07 ngày nay. Bởi vì thang đo pH là logarit, sự khác biệt của một đơn vị pH thể hiện sự axit hóa gấp mười lần.

Sự thay đổi nhanh chóng này đang gây sức ép cho những sinh vật sống ở biển. Axit hóa đại dương làm mềm vỏ sò điệp, làm chậm quá trình lột xác của cua, tôm hùm, làm suy yếu san hô, làm cá rối loạn khứu giác, thậm chí có thể thay đổi cách âm thanh truyền qua nước làm cho môi trường sống dưới nước ồn hơn.

Các nhà khoa học dự đoán vào năm 2050, 86% đại dương trên thế giới sẽ ấm hơn và có tính axit cao nhất trong lịch sử. Vào năm 2100, độ pH của đại dương bề mặt có thể giảm xuống dưới 7,8, hoặc hơn 150 phần trăm so với trạng thái đã ăn mòn ngày nay - và thậm chí có khả năng cao hơn, -ở một số khu vực đặc biệt nhạy cảm của hành tinh như là Bắc Băng Dương.

 

 

Vũ Thùy Vân (tổng hợp)