Liệu pháp mới sử dụng miễn dịch phóng xạ alpha điều trị đa u tủy hứa hẹn nhiều triển vọng trong nghiên cứu tiền lâm sàng16:30:00 05/10/2020

Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học hạt nhân số tháng 7/2020 do Hiệp hội Y học hạt nhân và Hình ảnh phân tử (SNMMI) xuất bản, một liệu pháp mới sử dụng phương pháp miễn dịch phóng xạ alpha (α-RIT) 212Pb-anti-CD38 đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của khối u và tăng khả năng sống sót trên những con chuột bị đa u tủy xương.

Với thời gian bán hủy dài, khả năng sản xuất tập trung và phân phối 212Pb-anti-CD38 trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng liệu pháp α-RIT không chỉ mang lại hiệu quả mà còn có tính khả thi về mặt lâm sàng như một phương pháp điều trị đa u tủy.

Đa u tủy là một bệnh ung thư tế bào dạng plasma xảy ra trong tủy xương. Đây là loại ung thư máu phổ biến thứ hai trên thế giới với hơn 32.000 ca mắc mới được dự báo năm 2020 (theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ). Mặc dù đã có các phương pháp và phác đồ điều trị mới, việc tiên lượng đối với các bệnh nhân bị đa u tủy vẫn ở mức hạn chế vì bệnh thường kéo theo khả năng tái phát sau khi thuyên giảm, do đó cần có các liệu pháp cải tiến với cơ chế hoạt động riêng biệt.

Dược sĩ, Bác sĩ xạ trị Isabelle Quelven-Bertin tại Bệnh viện Đại học Limoges ở Limoges, Pháp cho biết: “Liệu pháp miễn dịch phóng xạ sử dụng các kháng thể chống lại các protein ở màng tế bào trên các tế bào khối u đã cho thấy hiệu quả với các chất phát ra beta, nhưng lại có các tác dụng phụ nghiêm trọng. Việc sử dụng các hạt alpha hiện được quan tâm hơn vì hạt alpha có quãng đường di chuyển ngắn, làm giảm sự phơi nhiễm bức xạ không mong muốn trên các mô bình thường, dẫn đến làm giảm tác dụng phụ. Do đó, chúng tôi đã quyết định nghiên cứu tính tiềm năng của liệu pháp α-RIT 212Pb-anti-CD38 trong điều trị đa u tủy".

Trong quá trình tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát triển các dòng tế bào u tủy ở người, thực hiện phân tích về sự tăng sinh tế bào sau khi ủ ở các mức nồng độ kháng thể đơn dòng 212Pb khác nhau. Chuột được ghép các dòng tế bào u tủy của người dưới da và được tiêm 212Pb-anti-CD38, 212Pb-anti-mCD38 (dành riêng cho chuột) hoặc 212Pb-isotypic có kiểm soát. Các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu về phân bổ sinh học, độc tính và xác định phạm vi liều bức xạ, cũng như các thí nghiệm liệu pháp miễn dịch phóng xạ để đo thể tích khối u và khả năng sống sót tổng thể.

Tế bào u tủy của người đã bị ức chế đáng kể sự tăng sinh tế bào sau ba ngày ủ với 212Pb-anti-CD38. Tương tự, quan sát trên chuột thí nghiệm cũng cho thấy có sự ức chế rõ rệt khả năng tăng sinh tế bào khi được điều trị bằng 212Pb-anti-CD38, thời gian sống trung bình là 55 ngày; đối với những con chuột được tiêm isotypic có kiểm soát có thời gian sống trung bình là 11 ngày. Các nghiên cứu về phân bổ sinh học cho thấy có sự tích tụ cục bộ 212Pb-anti-CD38 trong khối u và hoạt độ bức xạ (độc tính) 212Pb-anti-mCD38 đã được thiết lập qua các thí nghiệm độc tính là 277,5 kBq.

Tuy các kháng thể đơn dòng 212Pb ức chế một cách hiệu quả sự phát triển của khối u và tăng khả năng sống sót, nhưng lại không thể tiến hành chụp SPECT/CT toàn thân do hoạt độ của 212Pb được tiêm vào thấp và độ nhạy của đầu dò không cao. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu thực hiện xạ hình SPECT/CT với 203Pb, một đồng vị phóng xạ giống hệt 212Pb về mặt hóa học.

Sự phân bố sinh học của 212Pb-Daratumumab và 212Pb-Isotypic có kiểm soát ở chuột mang xenograft RPMI8226.

Giáo sư Michel Cogné, chuyên gia miễn dịch học tại Trường Y Limoges lưu ý rằng: "Nguyên tố phóng xạ này cho phép chúng tôi xem xét đến một phương pháp tiếp cận chẩn trị kết hợp đối với liệu pháp α-RIT sử dụng 212Pb, ngăn khả năng một hạt nhân phóng xạ với các đặc tính vật lý-hóa học khác nhau có thể dẫn đến các dược động học khác nhau. Kết hợp liệu pháp điều trị và chẩn đoán hình ảnh có thể cho một hướng tiếp cận hiệu quả nhằm tối ưu hóa liều điều trị bằng cách sử dụng tính toán liều lượng cụ thể và theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Trong tương lai, đây có thể được coi là một phương pháp tiếp cận chẩn trị kết hợp sáng tạo".

Liệu pháp miễn dịch là liệu pháp sử dụng các kháng thể đơn dòng để nhận biết và giết chết tế bào ung thư. Kháng thể là những protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch, chủ yếu là các tế bào máu trắng. Chúng lưu thông trong máu, có khả năng nhận biết và gắn với protein của các kháng nguyên sau đó là gây ức chế sinh trưởng và giết chết kháng nguyên, cụ thể là vi khuẩn, vi rút, tế bào ung thư gây bệnh hay các tác nhân lây nhiễm khác.

Liệu pháp Miễn dịch- Phóng xạ (RIT) là sự kết hợp của xạ trị và liệu pháp miễn dịch. Trong RIT, một kháng thể đơn dòng được gắn thêm một hạt nhân phóng xạ. Khi được tiêm vào mạch máu của bệnh nhân, các hạt nhân phóng xạ được các kháng thể đơn dòng đưa đến các tế bào ung thư, liên kết với các tế bào ung thư. Lúc này, không những chỉ kháng thế đơn dòng gây ứng chế và giết chết tế bào ung thư mà hạt nhân phóng xạ gắn trên kháng thể đơn dòng còn phát bức xạ trực tiếp tiêu diệt khối u. Cho nên, RIT được xem là một liệu pháp hiệu quả hơn liệu pháp miễn dịch và xạ trị thuần túy, có thể gọi là liệu pháp trúng đích hai lần.

 

 

Chu Minh Dương

Phòng Quản lý KH&CN hạt nhân (biên dịch)

Nguồn: news-medical.net

 

 

Google translate
Liên kết
  • Bộ Khoa học và Công nghệ
    Bộ Khoa học và Công nghệ
Thư viện ảnh
Đối tác
Media
Thống kê truy cập