Khóa họp thường niên lần thứ 64 Đại hội đồng IAEA08:52:00 03/12/2020

Trong thời gian từ ngày 21 đến 25/9/2020, Khóa họp thường niên lần thứ 64 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã được tổ chức tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo. Để tuân thủ các yêu cầu của chính quyền Áo liên quan đến đại dịch COVID-19, năm nay, mỗi quốc gia thành viên chỉ có 02 đại biểu được phép tham dự các cuộc họp. Về phía Việt Nam, ông Lê Dũng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Áo, đại diện thường trực phái đoàn Việt Nam tại IAEA và 01 cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo đã tham dự kỳ họp.

Tại phiên toàn thể đầu tiên diễn ra vào sáng ngày 21/9, ông Azzeddine Farhane, Đại sứ Morocco đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IAEA lần thứ 64.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã nhấn mạnh đến những nỗ lực tích cực của IAEA trong đại dịch COVID-19 để ngăn chặn sử dụng trái phép vật liệu hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh sự đóng góp của IAEA về cung cấp thiết bị để phát hiện và chẩn đoán virút corona cho 123 quốc gia, đồng thời khuyến khích các quốc gia thành viên hỗ trợ Hành động Tích hợp chống dịch bệnh lây truyền qua động vật (ZODIAC) với mục tiêu thiết lập một mạng lưới toàn cầu các phòng thí nghiệm chẩn đoán quốc gia để theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát dịch bệnh truyền từ động vật sang người.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi phát biểu khai mạc Khóa họp thường niên lần thứ 64 Đại hội đồng IAEA.

Ông Lê Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Áo và Cộng hòa Slovenia đã thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam có bài phát biểu tại phiên toàn thể của Khóa họp, trong đó nhấn mạnh Đoàn Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực to lớn và những thành tích đáng ghi nhận của IAEA trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình để phát triển và đảm bảo an ninh, an toàn trên thế giới, đặc biệt là trong trường bối cảnh thế giới đang trải qua đại dịch COVID-19. Đồng thời Đại sứ khẳng định sự hợp tác và hỗ trợ của IAEA thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật đóng vai trò quan trọng, giúp Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng an toàn bức xạ và hạt nhân, v.v.

Khóa họp thường niên lần thứ 64 Đại hội đồng IAEA đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về tăng cường các hoạt động của IAEA liên quan đến khoa học, công nghệ và ứng dụng hạt nhân, đặc biệt hoạt động liên quan đến Dự án Hành động Tích hợp chống dịch bệnh lây truyền qua động vật (ZODIAC), quản lý tri thức hạt nhân và đổi mới Phòng thí nghiệm Ứng dụng Hạt nhân của IAEA tại Seibersdorf (Áo); tăng cường hoạt động hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ các nước thành viên và tăng cường các biện pháp thanh sát/bảo vệ do IAEA thực hiện; việc thực hiện Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, thỏa thuận giữa IAEA và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Khóa họp cũng đã thông qua Báo cáo tài chính của IAEA cho năm 2019. Kết thúc khóa họp đã có 83 quốc gia cam kết tài trợ hơn 30 triệu euro cho Quỹ Hợp tác kỹ thuật trong năm 2021. Khóa họp cũng đã bầu ra 11 quốc gia tham gia Hội đồng thống đốc IAEA giai đoạn 2020-2022 (gồm 35 thành viên) bao gồm: Argentina, Áo, Ai Cập, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Ba Lan, Senegal, Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Trong thời gian diễn ra khóa họp, đã có 39 sự kiện bên lề được tổ chức chủ yếu bằng hình thức trực tuyến về các chủ đề: các phương pháp tiếp cận dựa trên trí tuệ nhân tạo trong khoa học hạt nhân giúp thúc đẩy xác định giai đoạn ung thư trong y học hạt nhân và điều trị ung thư thông qua xạ trị, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhiệt hạch hạt nhân và giúp bảo vệ nguồn nước toàn cầu khỏi bị khai thác quá mức và ô nhiễm, .... Bên cạnh đó, các sự kiện cũng đề cập đến một sáng kiến ​​mới nhằm tăng cường hiệu quả của các hệ thống nhà nước về kế toán và kiểm soát vật liệu hạt nhân (SSAC), đưa ra cách giải quyết những thách thức mà SSAC phải đối mặt trong thực hiện thanh sát.

Cũng trong dịp này, nhân kỷ niệm 20 năm Dự án quốc tế về các lò phản ứng hạt nhân và chu trình nhiên liệu cải tiến (INPRO), một số sự kiện cũng giới thiệu các hoạt động của INPRO và nêu bật các công cụ được phát triển về tất cả các khía cạnh liên quan đến tính bền vững của năng lượng hạt nhân, bao gồm kinh tế, an toàn, an ninh, tác động môi trường, không phổ biến vũ khí.

Trong 02 ngày 22-23/9/2020, Diễn đàn khoa học với chủ đề “Điện hạt nhân và chuyển đổi năng lượng sạch” đã được tổ chức ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.  

Toàn cảnh Diễn đàn Khoa học IAEA 2020 về Điện hạt nhân và chuyển đổi năng lượng sạch.

Tại đây, các quan chức cấp cao và chuyên gia hàng đầu cùng nhau thảo luận về những bước đột phá và phát triển mới nhất của điện hạt nhân cũng như vai trò của nó trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại và tương lai của thế giới. Diễn đàn gồm có bốn phiên họp, được tổ chức ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Tại buổi khai mạc Diễn đàn, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu, hầu hết tất cả dạng điện năng sẽ cần phải phát thải các-bon thấp và điều đó sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân . “Để đạt mục tiêu đòi hỏi chúng ta phải tận dụng tất cả các nguồn năng lượng không thải ra khí nhà kính. Điện hạt nhân là một trong những giải pháp ”.

Cũng trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 64, Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có cuộc họp trực tuyến với đại diện Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ về các vấn đề: Công tác tổ chức cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ lần thứ hai; tình hình chuẩn bị ký các Biên bản ghi nhớ giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Ban Pháp quy về Năng lượng nguyên tử Ấn Độ về an toàn hạt nhân và bảo vệ bức xạ, giữa Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (thuộc Viện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ) và Ban Công nghệ bức xạ và đồng vị (BRIT) thuộc Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ về việc cung cấp nguồn Co-60, Bệnh viện K với Bệnh viện Tata Memorial về chữa trị bệnh ung thư.

Khóa họp lần thứ 65 của Đại hội đồng IAEA sẽ được tổ chức từ ngày 20-24/9/2021 tại trụ sở của IAEA ở Vienna, Áo.

Lê Minh Hằng (tổng hợp)

 

Tin Tức khác