Kỹ thuật hạt nhân hỗ trợ thích ứng với khí hậu và phục hồi sau dịch COVID16:26:00 23/07/2021
Ngày 16/7/2021, bên lề Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc (HLPF) về Phát triển bền vững, một sự kiện trực tuyến đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 140 chuyên gia, điều phối viên quốc gia và đại diện Phái đoàn thường trực Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tại đây, các chuyên gia đến từ Malaysia, Nigeria, Peru và IAEA đã thảo luận về cách thức khoa học và công nghệ hạt nhân đã giúp phát triển các loại cây trồng có khả năng chống hạn và mặn cao hơn. Họ cũng thảo luận về cách tiếp cận thông minh với khí hậu trong quản lý đất và nước để có thể tăng sản lượng lương thực và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế giai đoạn sau dịch COVID-19. Các chuyên gia đang thảo luận tại sự kiện bên lề Diễn đàn Chính trị cấp cao (HLPF). Khoa học và công nghệ hạt nhân có thể là động lực quan trọng để các quốc gia đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và môi trường, cải thiện cuộc sống của người dân, giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu và hỗ trợ một số khía cạnh trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19. Được tổ chức với sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sự kiện trực tuyến tập trung vào tác động của các ứng dụng hạt nhân nhằm hỗ trợ an ninh lương thực và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn nước, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc sử dụng các kết quả này để hỗ trợ các cộng đồng miền núi, nông dân quy mô nhỏ và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu (Climate Smart Agriculture -CSA) là cách tiếp cận giúp hướng dẫn các hành động cần thiết để chuyển đổi và định hướng lại các hệ thống nông nghiệp nhằm hỗ trợ hiệu quả sự phát triển và đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện khí hậu thay đổi. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia IAEA và FAO, các ứng dụng hạt nhân được triển khai để giảm bớt khó khăn cho người dân trước những tình trạng như nguồn nước bị thu hẹp, sâu bệnh xâm lấn hoặc đơn giản là khí hậu thay đổi. Ông Sunday Abayomi Fasina, Phó hiệu trưởng Đại học Liên bang Oye-Ekiti tại Nigeria, cho biết: “Chúng tôi đã đào tạo hơn 2000 nông dân sống trong khu dành cho những người di cư trong nước gần Abuja cách áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước mà không ảnh hưởng đến sản lượng. Họ có thể trồng cây một cách hiệu quả, bảo tồn nguồn nước và tạo thu nhập cho gia đình.” Kỹ thuật đồng vị được sử dụng để xác định lượng nước cần thiết cho cây và thời gian tưới tối ưu. Bà Luz Gomez-Pando thuộc Đại học La Molina ở Peru, người đã hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của IAEA và FAO trong một số dự án hợp tác kỹ thuật, cho biết. “Tại các vùng cao nguyên Andean tại Peru, nơi cao hơn mực nước biển 3000 mét, sản xuất nông nghiệp được triển khai với quy mô nhỏ. Tại đây đất đai rất nghèo dinh dưỡng và khí hậu rất khó khăn… Với sự hỗ trợ của IAEA và FAO, các chuyên gia tại trường đại học của tôi đã phát triển và cho ra đời 9 giống lúa mạch mới, một loại cây trồng chủ lực ở các cộng đồng miền núi Andean. Các giống mới chịu được hạn, nhiệt độ thấp và kháng bệnh đã tạo ra gần 18 triệu đô la Mỹ cho nông dân vùng cao tham gia dự án”. Ông Shyful Azizi B. Abdul Rahman, nhà nghiên cứu tại Phòng Khoa học sinh học và công nghệ nông nghiệp của Cơ quan Hạt nhân Malaysia, đồng thời là cộng tác viên lâu năm chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA, cho biết “Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề môi trường mà là vấn đề tồn tại và phát triển. Những thách thức như suy thoái đất, khan hiếm nước và đại dịch hiện nay đang khiến việc sản xuất lúa trở thành một nhiệm vụ khó khăn, nhưng chúng tôi đã tạo ra hai giống lúa đột biến mới cho gần 50.000 nông dân Malaysia vào năm 2020, giúp tăng sản lượng và tăng gấp đôi thu nhập của họ”. Các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị cũng được áp dụng để khảo sát và tìm hiểu thế giới xung quanh chúng ta. Với sự hỗ trợ thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trên khắp thế giới có thể nghiên cứu kỹ lưỡng xem biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đất, tỷ lệ bổ sung nước ngầm hoặc tỷ lệ chất gây ô nhiễm trong không khí. Thông tin này được các nhà quản lý sử dụng để xây dựng các chính sách mới, ưu tiên tính bền vững và phù hợp chặt chẽ với các mục tiêu phát triển quốc gia. Khi đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, "kỹ thuật thủy văn đồng vị cho phép chúng tôi xem xét kỹ lưỡng “dấu vân tay” của các phân tử nước và các nguyên tố thành phần của chúng, hydro và oxy," bà Jodie Miller, Trưởng Bộ phận Thủy văn đồng vị của IAEA cho biết. “Chúng ta có thể thấy nước đến từ đâu, đã đi bao lâu, bao nhiêu tuổi và nhiều hơn thế nữa. Thông tin này cho phép chúng tôi hiểu và quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên nước của mình”. Được tổ chức hàng năm kể từ năm 2013, HLPF họp trong 08 ngày để xem xét các hoạt động, thành tựu và kinh nghiệm trong các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Diễn đàn họp hàng năm dưới sự bảo trợ của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc và thông qua các tuyên bố chính trị. “Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề môi trường mà là vấn đề tồn tại và phát triển”, Phát biểu của ông Shyful Azizi B. Abdul Rahman, Nhà nghiên cứu tại Phòng Khoa học sinh học và công nghệ nông nghiệp của Cơ quan Hạt nhân Malaysia tại sự kiện. Nguyễn Thị Dịu - Phòng Chính sách Năng lượng nguyên tử Nguồn: iaea.org Tin Tức khác
|
Google translate Thông báo Liên kết
Thư viện ảnh Thống kê truy cập |