Vai trò của năng lượng hạt nhân trong giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu14:28:00 21/02/2022
Biến đổi khí hậu hiện là một trong những thách thức lớn nhất của tiến trình phát triển nhân loại. Để xử lý thành công thách thức này không những đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ, những nguồn lực to lớn hơn mà còn cần sự sáng tạo, linh hoạt trong lựa chọn và sử dụng các công cụ sẵn có. Năng lượng hạt nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng carbon bằng không (Net Zero carbon) vào năm 2050. Sản xuất năng lượng hạt nhân hiện cung cấp 1/10 lượng điện toàn cầu mà không tạo ra khí thải carbon dioxide (CO2). Với 444 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trên 30 quốc gia, năng lượng hạt nhân là nguồn cung cấp điện phát thải các-bon thấp lớn nhất trong các nền kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và lớn thứ hai trên thế giới sau thủy điện. Báo cáo phân tích của Cơ quan Năng lượng hạt nhân (NEA) thuộc OECD về hơn 90 cách dẫn đến phát thải ròng bằng không hiện đang được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc xem xét. Báo cáo cho thấy rằng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,50C, công suất năng lượng hạt nhân được lắp đặt phải tăng gấp ba lần hiện nay - lên 1.160 gigawatt vào năm 2050. Thế giới đang đi không đúng hướng để đạt được các mục tiêu này vì ngay cả với khoảng 50 lò phản ứng năng lượng hạt nhân hiện đang được xây dựng trên khắp thế giới và 100 lò theo kế hoạch, công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu sẽ gần như không đổi khi các lò phản ứng cũ ngừng hoạt động. Một lợi thế chính của lĩnh vực hạt nhân là có các công nghệ và chuỗi cung ứng đã được hoàn thiện sau nhiều thập kỷ phát triển. Hiện nay, năng lượng hạt nhân vẫn đang hàng ngày góp phần giảm phát thải khí nhà kính với lượng khoảng 1,6 tỉ tấn CO2/năm. Thông qua việc tân trang và kéo dài thời gian vận hành các lò phản ứng hiện có, lĩnh vực hạt nhân có thể tiếp tục giúp thế giới tránh phát thải CO2 trong nhiều thập kỷ tới, lên đến 50 tỉ tấn phát thải carbon tích lũy trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2050. Ngoài ra lĩnh vực này còn có tiềm năng đáng kể trong việc xây dựng mới các lò phản ứng năng lượng hạt nhân quy mô lớn để thay thế cho các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, qua đó tiếp tục giảm phát thải thêm khoảng 23 tỉ tấn CO2 từ năm 2020 đến năm 2050. Hiện tại, các nước ngoài OECD là Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc triển khai các dự án hạt nhân mới này. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (International Energy Agency - IEA) của OECD, việc năng lượng hạt nhân đóng vai trò như là trụ cột chính trong chiến lược giảm phát thải carbon toàn cầu còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn. Theo tính toán, để đạt được các mục tiêu về khí hậu theo thỏa thuận của các nước mà thiếu đi năng lượng hạt nhân sẽ khiến thế giới tiêu tốn thêm khoảng 1,6 nghìn tỉ USD. Không chỉ có vậy, khi các quốc gia tăng cường các loại hình sản xuất năng lượng không có carbon khác như năng lượng mặt trời hoặc gió, điện hạt nhân có thể đóng vai trò là nguồn cung cấp phụ tải cơ sở (hoặc phụ tải đáy) đảm bảo cung cấp điện liên tục, đáng tin cậy. Vấn đề này đã trở nên rõ ràng từ kinh nghiệm gần đây của một số quốc gia bị mất điện hoặc tăng giá năng lượng. Khi các cơ sở hạt nhân bị loại bỏ dần, các chính phủ đã phải khởi động lại các nhà máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo cung cấp điện liên tục cho hệ thống, từ đó lùi một bước trực tiếp trong cuộc chiến giảm thiểu ô nhiễm và khí thải carbon. Bên cạnh đó, phải kể đến một làn sóng đổi mới diễn ra gần đây về các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (Small Modular Reactors - SMR) đang mở ra các ứng dụng mới cho năng lượng hạt nhân và cơ hội tiếp tục tiến tới mức phát thải ròng bằng không trong nền kinh tế toàn cầu. Các lò phản ứng mô-đun nhỏ (lò phản ứng đầu tiên loại này dự kiến sẽ có mặt trên thị trường trong vài năm tới) có thể tiếp tục giúp thế giới giảm phát thải khoảng 15 tỉ tấn CO2 từ năm 2020 đến năm 2050. Với nhiều ứng dụng phong phú, việc phát triển SMR trong thời gian tới bên cạnh việc có thể tạo ra điện năng cho hệ thống điện, cung cấp năng lượng để khử muối, cung cấp năng lượng trực tiếp cho các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và các lĩnh vực cơ khí khác, đồng thời còn là nguồn sản xuất hydro và các loại nhiên liệu tổng hợp khác - là một bước gián tiếp giúp loại bỏ khí thải trong lĩnh vực giao thông vận tải. Để đạt được thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, yêu cầu về khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho sự đổi mới đang được đặt ra. Những cam kết đạt được (một cách đầy khó khăn) tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh vừa qua có thể được coi là cột mốc quan trọng trên con đường đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Trong nhiều sự kiện đa quốc gia, do những yếu tố khách quan nên năng lượng hạt nhân không được đưa vào chương trình nghị sự, tạo ra những khoảng trống đáng kể trong thảo luận cũng như hạn chế nhiều giải pháp có lợi cho khí hậu. Tuy nhiên, với những lợi ích và giá trị to lớn đã được khẳng định qua nhiều thập kỷ, năng lượng hạt nhân cần phải được đưa vào trong các cuộc thảo luận về chuyển đổi năng lượng cùng với tất cả các lựa chọn khác nhằm duy trì tính toàn vẹn của đối thoại chính sách. Trong khi các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra các quyết định dựa trên các giá trị khác nhau về vai trò của năng lượng hạt nhân trong bối cảnh quốc gia tương ứng của họ, các phân tích và đánh giá cung cấp cho các lựa chọn phải đầy đủ và dựa trên bằng chứng để đảm bảo rằng sự cân nhắc phức tạp giữa các lựa chọn có thể được hiểu chính xác. Bùi Từ Thi Hoàng, Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân (biên dịch) Nguồn: oecd-nea.org. Tin Tức khác
|
Google translate Thông báo Liên kết
Thư viện ảnh Thống kê truy cập |