Sáng kiến mới của IAEA nhằm dẩy nhanh quá trình triển khai lò phản ứng mô đun nhỏ08:51:00 29/07/2022

Các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) có thể đóng góp quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu và an ninh cung cấp năng lượng. Hiện nay, có trên 70 thiết kế SMR đang được phát triển ở 18 quốc gia, bao gồm cả những sáng chế mới chưa được cấp phép và các phương pháp sản xuất mới theo dạng mô-đun của ngành công nghiệp hạt nhân. Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi lò phản ứng SMR vẫn diễn ra quá chậm chạp so với những yêu cầu cấp bách về ứng phó biến đổi khí hậu.

Lò phản ứng SMR.

Để thúc đẩy quá trình này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đưa ra Sáng kiến Đồng bộ hòa và Tiêu chuẩn hóa hạt nhân (The Nuclear Harmonization and Standardization Initiative - NHSI) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai an toàn, bảo mật SMR và các công nghệ hạt nhân tiên tiến. Sáng kiến NHSI có thể giúp tối đa hóa sự đóng góp của SMR vào việc đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chương trình nghị sự 2030 của IAEA và Thỏa thuận Paris, bao gồm cả việc đạt mức phát thải cacbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi - người công bố Sáng kiến NHSI, các lò phản ứng SMR và các công nghệ hạt nhân tiên tiến hứa hẹn tiềm năng giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, các quốc gia muốn hưởng lợi đầy đủ từ tiềm năng của chúng để giảm đáng kể lượng khí thải và cung cấp năng lượng tin cậy thì cần giải quyết một số thách thức đối với việc triển khai các công nghệ này trên phạm vi toàn cầu.

Với kích thước nhỏ và chi phí đầu tư thấp hơn so với các lò phản ứng truyền thống, lò phản ứng SMR được kỳ vọng mở rộng khả năng tiếp cận toàn cầu đối với năng lượng hạt nhân. SMR linh hoạt hơn trong việc tích hợp với các nguồn năng lượng sạch khác và cũng có thể được sử dụng cho các ứng dụng phi năng lượng như nhiệt công nghiệp và sản xuất hydro. Hiện nay, một số lò phản ứng SMR đầu tiên đã được triển khai, bao gồm các nhà máy điện hạt nhân nổi ở Nga và Trung Quốc; một lò phản ứng SMR làm mát bằng nước đang trong giai đoạn xây dựng nâng cao ở Argentina; Hoa Kỳ cũng đã cấp chứng nhận thiết kế đối với một công nghệ lò phản ứng SMR đáp ứng các yêu cầu an toàn theo quy định của nước này.

Lợi thế về chi phí của lò phản ứng SMR một phần đến từ phương pháp sản xuất theo các mô-đun được chế tạo sẵn tại nhà máy và lắp ráp tại địa điểm xây dựng. Để ý tưởng này được thực thi trên toàn cầu, cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghiệp và quy định cấp phép chung để có thể áp dụng ở bất kể quốc gia nào. Một yếu tố quan trọng và cần thiết khác là phương pháp tiếp cận quản lý hạt nhân của các quốc gia khác nhau cần có sự đồng bộ hơn.  

Theo Bà Lydie Evrard, Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Trưởng Ban An toàn và An ninh hạt nhân: “Về phía cơ quan pháp quy, mục đích là tăng cường hợp tác quản lý, thiết lập các quan điểm chung về các vấn đề kỹ thuật và chính sách, mở đường cho sự đồng bộ và thống nhất hơn giữa quy định của các nước, ban đầu là trong giai đoạn trước khi cấp phép cho các lò phản ứng SMR, với kỳ vọng đạt được sự thống nhất ở mức cao về an toàn và bảo mật cho các thiết kế SMR tiên tiến hiện nay”.

Theo Bà Rumina Velshi - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ủy ban An toàn hạt nhân Canada, để các lò phản ứng SMR trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu cacbon toàn cầu, cần phải có một sự thay đổi mô hình cơ bản, trong đó xem hạt nhân như một cộng đồng toàn cầu. Việc đồng bộ giữa những yêu cầu và tiêu chuẩn trên phạm vi quốc tế cũng giữa các quy trình cấp phép và phê duyệt của các quốc gia luôn luôn cần thiết cho việc triển khai rộng rãi, an toàn và hiệu quả các lò phản ứng SMR.

Theo Sáng kiến NHSI, IAEA sẽ tập hợp những người ra quyết định ở cấp chính phủ của các nước, cơ quan pháp quy, nhà thiết kế, chủ sở hữu công nghệ, nhà vận hành và các tổ chức quốc tế khác theo hai định hướng riêng nhưng có bổ trợ lẫn nhau, một là đối với các nhà nắm giữ và vận hành công nghệ và một cho các cơ quan quản lý. Các hoạt động này sẽ do IAEA hỗ trợ, và từ năm 2024 sẽ hoạt động trong khuôn khổ của IAEA để tiếp tục đề xuất các nội dung sáng kiến mới và hướng đến mục đích cuối cùng là đưa ra được một lộ trình với các kế hoạch cụ thể nhằm mở rộng việc triển khai SMR trên toàn thế giới. Đối với ngành công nghiệp hạt nhân, Sáng kiến NHSI sẽ tìm cách cung cấp danh mục các hành động và cột mốc cụ thể cho chủ sở hữu và nhà vận hành công nghệ để phát triển các phương pháp tiếp cận công nghiệp tiêu chuẩn hóa hơn về thiết kế, sản xuất, xây dựng, chạy thử và vận hành lò phản ứng SMR.

Trong những năm gần đây, IAEA đã tăng cường hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc phát triển và cấp phép các lò phản ứng SMR. Năm 2021, IAEA đã thiết lập Nền tảng mở rộng về lò phản ứng SMR và những ứng dụng, cung cấp hình thức “tất cả trong một” (One-stop-shop) cho các quốc gia thành viên IAEA và các bên liên quan khác quan tâm đến việc phát triển và triển khai công nghệ SMR. IAEA cũng đang xem xét khả năng áp dụng Tiêu chuẩn an toàn của IAEA đối với các lò phản ứng SMR và đã hỗ trợ Diễn đàn cơ quan pháp quy SMR từ năm 2015, tại đây các cơ quan pháp quy thảo luận về các phương pháp tiếp cận công nghệ mới này. IAEA đã hoàn thành việc xem xét hơn 60 tiêu chuẩn an toàn để hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn này cho các lò phản ứng SMR và vòng đời của công nghệ mới và sẽ xuất bản một báo cáo an toàn trong năm nay.

 

          Đặng Chí Dũng, Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân (biên dịch)

Nguồn: iaea.org