Philippines khởi động lại cơ sở hạt nhân sau 34 năm gián đoạn15:53:00 07/09/2022

Thanh nhiên liệu hạt nhân được nạp cơ cấu dưới tới hạn tại PRR-1 SATER. 
Sau hơn ba thập kỷ gián đoạn, mới đây, Philippines đã cho khởi động lại một cơ sở hạt nhân của Viện Nghiên cứu hạt nhân Philippines (PNRI). Năm 2014, Chính phủ Philippines thông qua đề xuất sử dụng các thanh nhiên liệu của lò phản ứng nghiên cứu đã ngừng hoạt động để phục vụ mục đích giáo dục và đào tạo với sự hỗ trợ của IAEA trong khuôn khổ các dự án hợp tác kỹ thuật (TC). Trong dự án TC đầu tiên khởi động năm 2016, IAEA hỗ trợ PNRI xây dựng năng lực về thiết kế lò phản ứng, đo đạc neutron và các vấn đề pháp quy liên quan đến lò phản ứng nghiên cứu.

Năm 2020, IAEA tiếp tục triển khai Dự án TC thứ hai với mục đích tăng cường năng lực ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu, đặc biệt là các vấn đề về kỹ thuật và vận hành; đồng thời, phát triển chương trình đào tạo trên lò phản ứng nghiên cứu nhằm duy trì các hoạt động xây dựng năng lực tại Philippines. Ông Syahril Syahril, Quản lý Chương trình cho Philippines của IAEA cho biết: “Khi điện hạt nhân được xem xét trong cơ cấu năng lượng tương lai của đất nước và do nhu cầu về công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực khác nhau, việc xây dựng năng lực và phát triển thế hệ các nhà khoa học và nguồn nhân lực mới trong lĩnh vực này cho Philippines là cần thiết”.

Trong một sắc lệnh của Tổng thống được ban hành đầu năm 2022, Philippines đã thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ đối với việc đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của Philippines. Trước đó, Philippines đã xây dựng một nhà máy điện hạt nhân vào cuối những năm 1970, nhưng đến năm 1986, dự án đã bị dừng lại và lò phản ứng hạt nhân đã không được nạp nhiên liệu.

 

Hồi sinh năng lực hạt nhân

Nhóm đội ngũ kỹ thuật của lò phản ứng tại PNRI hoàn thành việc nạp 44 thanh nhiên liệu hạt nhân, tháng 6/2022. 

Tháng 6/2022, PNRI đã nạp 44 thanh nhiên liệu hạt nhân vào lõi của hệ thống dưới tới hạn với mục đích phục vụ Cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu (SATER). Các thanh nhiên liệu hạt nhân đã không được sử dụng và lưu trữ trong hơn 30 năm. Cơ sở SATER mới được đặt ngay tại tòa nhà chứa Lò phản ứng nghiên cứu Philippines số 1 (PRR-1) ở trạng thái dưới tới hạn, chuỗi phản ứng phân hạch hạt nhân phụ thuộc vào các nơtron từ nguồn bên ngoài. PRR-1 SATER có thiết kế với việc hoạt động dưới trạng thái tới hạn trong mọi điều kiện vận hành hay mọi trạng thái ngẫu nhiên, cung cấp công cụ nghiên cứu an toàn và linh hoạt cho các nhà khoa học, sinh viên.

Lò phản ứng nghiên cứu PRR-1 có công suất 1 MW đã đạt tới hạn vào năm 1963, nhưng sau đó ngừng hoạt động từ năm 1988. Ông Alvie Asuncion-Astronomo, trợ lý khoa học, cựu Trưởng Bộ phận Vận hành Lò phản ứng hạt nhân của PNRI cho biết: “Việc đưa PRR-1 SATER vào hoạt động là cột mốc quan trọng đối với Philippines, vì cơ sở này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho việc tái thiết năng lực hạt nhân quốc gia”. Trong hai năm qua, IAEA đã triển khai hỗ trợ các nhân viên kỹ thuật và cán bộ quản lý của Philippines thông qua các khuyến nghị về cấp phép và vận hành PRR-1 SATER. IAEA và các chuyên gia quốc tế cũng đã trực tiếp tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ tại Philippines.

Các Hệ dưới tới hạn, như PRR-1 SATER, là những công cụ giá trị cho nghiên cứu và đào tạo. PRR-1 SATER sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo hạt nhân đang được triển khai tại Đại học Philippines Diliman và Đại học Mapua. Trong lĩnh vực nghiên cứu, PRR-1 SATER được sử dụng cho các thí nghiệm về vật lý lò phản ứng cũng như chiếu xạ neutron và phân tích kích hoạt neutron.

Ông Asuncion-Astronomo cho biết thêm: “PRR-1 SATER trong tương lai ​​sẽ là lò phản ứng hạt nhân được dùng cho việc đào tạo nhân viên vận hành, quản lý và sử dụng lò phản ứng nghiên cứu”. “Cơ sở này dự kiến ​​sẽ mở ra toàn bộ lĩnh vực khoa học vật lý và kỹ thuật lò phản ứng cho Philippines và mở đường cho Philippines tăng cường thị trường hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân.”

 

 
  Text Box: Lò phản ứng nghiên cứu Philippine-1 (PRR-1) được thiết kế và chế tạo theo Chương trình trao đổi nghiên cứu hạt nhân Atoms for Peace của Hoa Kỳ. PRR-1 là lò phản ứng loại đa năng MTR bể chứa hở với công suất 1 MW và đạt tới hạn đầu tiên vào 26/8/1963, được xây dựng bởi công ty General Atomics của Hoa Kỳ. Sau đó, PRR-1 được vận hành từ năm 1964 đến năm 1984 với mục đích sử dụng để đào tạo và nghiên cứu khoa học hạt nhân cũng như sản xuất đồng vị.
Năm 1984, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Philippines (PAEC - lúc đó là Viện Nghiên cứu Hạt nhân Philippines (PNRI)) quyết định chuyển đổi và nâng cấp lò phản ứng này thành lò phản ứng TRIGA Mark III công suất 3 MW. Lò phản ứng được chuyển đổi đã đạt trạng thái tới hạn vào tháng 4/1988. Lò phản ứng PRR-1 TRIGA sử dụng uranium làm giàu thấp thay vì uranium làm giàu cao. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi nhiên liệu, các vấn đề kỹ thuật và pháp quy đã khiến PRR-1 không thể hoạt động.


PRR-1 SATER dự kiến ​​sẽ kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm và đi vào hoạt động chính thức vào năm 2023.

 

 

Nguyễn Thu Giang (biên dịch)

Nguồn: iaea.org