Khai mạc Đại hội đồng lần thứ 66 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế21:26:00 28/09/2022

Ngày 26/9/2022, Đại hội đồng lần thứ 66 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã được khai mạc tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp.

Cùng tham gia Đoàn có: Ông Nguyễn Trung Kiên - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Áo, Đại diện thường trực nước CHXHCN Việt Nam tại IAEA; Lãnh đạo và cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ: Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Văn phòng, Vụ Hợp tác quốc tế; cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo.

Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng IAEA lần thứ 66

Đây là cuộc họp thường niên của IAEA được tổ chức từ ngày 26-30/9/2022 với sự tham dự của đại diện cấp cao đến từ 175 quốc gia thành viên của IAEA. Đại diện các nước thành viên sẽ chia sẻ và trao đổi thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; vai trò của IAEA trong phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy ứng dụng hạt nhân thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA; nâng cao hiệu quả của các hoạt động thanh sát hạt nhân.

Toàn cảnh Phiên toàn thể Đại hội đồng IAEA lần thứ 66

Tại Phiên toàn thể diễn ra vào sáng ngày 26/9/2022 (giờ Áo), ông  Alessandro Cortese - Đại sứ Italia, đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IAEA lần thứ 66.

Phát biểu khai mạc, bà Ghada Fathy Ismail Waly, Trưởng Văn phòng Liên hợp quốc tại Áo đã gửi đến Đại hội đồng IAEA Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó đánh giá cao những nỗ lực của IAEA đã hỗ trợ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực như y tế, dinh dưỡng, thực phẩm, nông nghiệp và biến đổi khí hậu, đóng góp của IAEA vào nỗ lực thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 và những mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Ghada Fathy Ismail Waly, Trưởng Văn phòng Liên hợp quốc tại Áo đã gửi đến Đại hội đồng IAEA lần thứ 66 Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc

Tại phiên khai mạc, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nêu bật những lợi ích của khoa học và công nghệ hạt nhân để chuẩn bị tốt hơn cho đợt bùng phát dịch bệnh truyền từ động vật trong tương lai; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực và tài nguyên nước; phòng chống và điều trị bệnh ung thư. Ông Grossi cho biết, từ đầu năm 2020, IAEA đã đi đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19. IAEA đã cung cấp trang thiết bị cho 306 phòng thí nghiệm ở 130 quốc gia. Các quốc gia thành viên đang tích cực tham gia vào Dự án Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật (ZODIAC). 149 quốc gia thành viên đã đề cử Điều phối viên quốc gia ZODIAC và 126 quốc gia đã đề cử Phòng thí nghiệm quốc gia ZODIAC. Ông mong muốn các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục ủng hộ và tham gia vào các sáng kiến có ý nghĩa quan trọng này.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi phát biểu khai mạc Khóa họp thường niên lần thứ 66 Đại hội đồng IAEA.

Trong thời gian từ ngày 26-30/9/2022 sẽ có khoảng 80 sự kiện bên lề về Dự án Hành động tích hợp chống dịch bệnh lây truyền từ động vật (ZODIAC); Tiến trình và những thành tựu về Nền tảng của Lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và những ứng dụng, v.v. Bên lề Đại hội đồng IAEA lần thứ 66 cũng sẽ diễn ra triển lãm của các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và Ban thư ký IAEA. Diễn đàn Khoa học thường niên sẽ được tổ chức từ ngày 27-28/9/2022 với chủ đề Những tia hy vọng (Rays of Hope) nhằm giúp các quốc gia tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

Về phía Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ có bài Phát biểu trong thời gian diễn ra Khóa họp. Các cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng tham dự Phiên toàn thể cũng như các cuộc họp bên lề.

Cũng trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 66, Lãnh đạo Cục Năng lượng nguyên tử, đồng thời là Điều phối viên quốc gia hợp tác với IAEA sẽ tham dự các cuộc họp về dự án hợp tác kỹ thuật giữa IAEA và Việt Nam, cuộc họp về tiến trình triển khai các sáng kiến về ứng dụng công nghệ hạt nhân vào quá trình giải quyết các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật (ZODIAC) và Ứng dụng công nghệ hạt nhân vào giải quyết vấn đề rác thải nhựa (NUTEC Plastic); cuộc họp về Hệ thống quản lý các dự án hợp tác kỹ thuật; làm việc song phương với các đối tác và tham dự các Diễn đàn về phát huy vai trò trung tâm của nguồn nhân lực để bảo đảm phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân và Diễn đàn về Giáo dục và Đào tạo hạt nhân là nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững và tham gia các cuộc làm việc song phương với các đối tác.

Đặng Chí Dũng, Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân

Tin Tức khác