Công nghệ hạt nhân giúp Argentina và Chile ngăn chặn sự bùng phát của ruồi đục quả14:37:00 12/10/2022

Ruồi đục quả Địa Trung Hải, có nguồn gốc từ khu vực châu Phi cận Sahara, đã lan rộng khắp Địa Trung Hải, Nam Âu, Trung Đông, Tây Úc, Nam và Trung Mỹ và Hawaii, phá hại hàng trăm loại trái cây và rau quả.

Ruồi đục quả Địa Trung Hải (Ảnh: R. Cardoso Pereira FAO / IAEA).

Vào năm 2019, sau 24 năm tuyên bố không còn ruồi đục quả Địa Trung Hải, Chile đã trải qua một trong những đợt dịch bùng phát lớn nhất gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 5 triệu đô la Mỹ. Lo ngại về các đợt bùng phát trong tương lai, do con người và trái cây di chuyển từ các quốc gia có ruồi đục quả Địa Trung Hải, vào năm 2020 Cơ quan Nông nghiệp và Chăn nuôi Chile (SAG), phối hợp với Cơ quan An toàn Thực phẩm và Chất lượng quốc gia của Argentina (SENASA), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), đã quyết định áp dụng kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT) để phòng ngừa.

Theo đó, ruồi bất dục đang được sản xuất tại Arica, Chile để thả trên các khu vực có nguy cơ bùng phát ở khu vực thủ đô Santiago. Cùng với những con ruồi được nhập khẩu từ một cơ sở ở Argentina, chúng được thả vào tự nhiên và giao phối với quần thể cái hoang dã để làm giảm số lượng sinh sản và tiến tới dần dần loại bỏ. Khi được sử dụng như các biện pháp phòng ngừa, SIT sẽ giúp loại bỏ những côn trùng mới nổi ngay khi chúng phát sinh.

Bà Jocelyn Elena Yevenes Flores, Trưởng bộ phận nghiên cứu về ruồi đục quả tại SAG cho biết: “Bằng cách sử dụng kỹ thuật SIT, chúng tôi đã thành công trong việc giảm số vụ bùng phát dịch và giảm 60% việc sử dụng các biện pháp thông thường có hại cho môi trường như những ứng dụng hóa chất tại SAG”.

Tại Argentina, từ năm 2005, kỹ thuật SIT đã được áp dụng như một chiến lược phòng ngừa. Ngày nay, việc ngăn chặn bằng cách sử dụng ruồi bất dục ở nước này đã được thực hiện trên 34.700 ha đất, bao gồm cả các khu vực không nhiễm ruồi đục quả như Mendoza và Patagonia. Từ 1.500 đến 4.500 con đực bất dục được thả hai đến ba lần/ha mỗi tuần. Những con ruồi này được nuôi hàng loạt và khử trùng tại cơ sở Santa Rosa của Viện Chất lượng và Sức khỏe Nông nghiệp (ISCAMEN) ở Mendoza.

Đây là cơ sở nuôi đại trà ruồi đục quả Địa Trung Hải lớn nhất ở Nam Mỹ, với công suất 700 triệu con ruồi đực bất dục mỗi tuần. Ngoài ra, còn có một cơ sở nằm ở phía nam Mendoza, có khả năng xử lý 500 triệu con ruồi bất dục mỗi tuần, cung cấp những con ruồi bất dục cần thiết cho Mendoza và Patagonia.

Thiệt hại do sự bùng phát ruồi đục quả Địa Trung Hải

Ruồi đục quả Địa Trung Hải là loài ruồi nhỏ và dường như vô hại nhưng có thể đe dọa sinh kế của nông dân, hạn chế sự sinh trưởng của cây trồng, gây hại cho thương mại quốc tế và an ninh lương thực. Ấu trùng của dịch hại di chuyển giữa các quốc gia cùng với con người, trái cây và rau quả, xâm nhập và lây lan vào các khu vực không có dịch hại và đến các khu vực sản xuất trái cây thương mại làm hỏng trái cây ở đó. Khi hoa quả hỏng bị vứt bỏ, sâu bệnh vẫn tiếp tục phát triển, cuối cùng chúng sẽ đến các khu vực nông nghiệp khác, tạo nên một vòng luẩn quẩn và bất tận.

Theo Ông Walther Enkerlin, nhà côn trùng học tại Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân trong Nông nghiệp và Thực phẩm của FAO/IAEA, cho biết: “Với mối đe dọa thường xuyên của ruồi đục quả di chuyển từ nơi này sang nơi khác và gây hại cho ngành nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật SIT là một cơ chế thân thiện với môi trường, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan ban đầu của ruồi đục quả trước khi chúng bắt đầu gây hại cho các khu vực nông nghiệp”.

Chiến lược kiểm soát dịch hại phòng ngừa có thể được thực hiện thông qua việc thả côn trùng bất dục vào các khu vực có nguy cơ bị dịch hại xâm nhập. Cách tiếp cận này được gọi là chương trình phóng thích phòng ngừa (PRP). Nó được hình thành vào giữa những năm 1990 bởi một nhóm các chuyên gia quốc tế của IAEA và FAO, đầu tiên được áp dụng tại lưu vực Los Angeles và một số năm sau đó ở Miami, Florida (Hoa Kỳ). Các dự án này vẫn đang được tiến hành với việc giảm đáng kể sự bùng phát ở những khu vực không có dịch hại ruồi đục quả và là phương pháp hiệu quả về chi phí.

Bằng cách sử dụng PRP, cả Argentina và Chile đều có thể ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai có thể làm gián đoạn sản xuất và xuất khẩu trái cây và rau quả tươi. Ông Enkerlin cho biết thêm: “Nếu không có các biện pháp phòng ngừa, thì sẽ quá muộn để ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh và quá tốn kém cũng có thể dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế trong xuất khẩu rau quả.

Kể từ khi chương trình PRP của Chile bắt đầu vào tháng 1/2020 đến tháng 11/2021, không có đợt bùng phát mới nào xảy ra ở các khu vực mục tiêu. Các quan chức từ SAG ở Chile hy vọng sẽ mở rộng diện tích thả ruồi bất dục để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai và đang thực hiện các nghiên cứu thử nghiệm bằng cách sử dụng máy bay không người lái và máy phóng thích trên mặt đất để thả ruồi bất dục vào các địa điểm cụ thể.  

IAEA thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật khu vực đã cung cấp hỗ trợ cho cả Argentina và Chile bằng cách tư vấn, đào tạo chuyên gia và tổ chức các hội thảo về ứng dụng kỹ thuật SIT.

 

Nguyễn Minh Hùng, Phòng Chính sách Năng lượng nguyên tử