Thúc đẩy cơ chế hợp tác ba bên Việt Nam - IAEA - Lào/Campuchia về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử08:53:00 09/12/2022

Ngày nay thế giới đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy đối thoại chân thành và mang tính xây dựng giữa các quốc gia vì mục tiêu phát triển. Trong bối cảnh đó, hợp tác là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy liên kết giữa các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau cũng như tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới.

Thực hiện phương châm đường lối đối ngoại nâng tầm đa phương, tăng cường hợp tác song phương, củng cố nền tảng hữu nghị và đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao hơn, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, trong đó có Lào và Campuchia. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung và ứng dụng, phát triển năng lượng nguyên tử (NLNT) nói riêng, với vai trò là đầu mối quốc gia trong quản lý và thúc đẩy phát triển NLNT phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) triển khai nhiều dự án hợp tác kỹ thuật quốc gia, khu vực và liên khu vực. Nhờ đó năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực NLNT đã đạt trình độ nhóm đầu trong khu vực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, Lào và Campuchia là những quốc gia thành viên mới và bước đầu tham gia vào các chương trình hợp tác của IAEA, đồng thời cũng là các nước láng giềng có quan hệ đặc biệt đối với Việt Nam, có sự khởi điểm về ứng dụng NLNT tương đồng với chúng ta hơn 40 năm trước. Do vậy, vào tháng 8/2017, Việt Nam và IAEA đã khởi xướng Dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam, IAEA và Lào/Campuchia nhằm cùng phối hợp hỗ trợ hai nước Lào và Campuchia phát triển ứng dụng NLNT, góp phần tăng cường cơ chế hợp tác kỹ thuật giữa các quốc gia đang phát triển cũng như thúc đẩy hợp tác Nam-Nam theo đúng tinh thần hội nhập quốc tế mà Nhà nước ta đã đề ra.

Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được xác định trong khuôn khổ Dự án bao gồm: ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, công nghiệp và kiểm tra không phá hủy, an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu, cơ sở hạ tầng pháp quy, chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ, chiếu xạ, y học hạt nhân, quản lý và quan trắc môi trường biển và trên mặt đất. 

Kể từ khi khởi xướng Dự án, các bên đã tiến hành một số hoạt động hợp tác theo nhu cầu, điều kiện tài chính và khả năng cung cấp hỗ trợ của từng bên. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy triển khai các hoạt động dự án một cách bài bản, các bên đã thống nhất xây dựng Thỏa thuận hợp tác ba bên và tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận bên lề Khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 63 tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo vào ngày 17/9/2019.

Thông qua Thỏa thuận, Việt Nam cung cấp các chương trình giáo dục và đào tạo ngắn hạn và dài hạn về ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực được ưu tiên hợp tác như đã nêu trên; cung cấp chuyên gia và giảng viên cho các cơ quan về khoa học và công nghệ hạt nhân của Lào và Campuchia để hỗ trợ hoạt động trong các lĩnh vực liên quan và sử dụng các cơ sở kỹ thuật tại Việt Nam bao gồm phòng thí nghiệm phân tích để thực hiện các hoạt động hợp tác. Việc triển khai các hoạt động theo Thỏa thuận này được thực hiện trong phạm vi Chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA.

Việc ký kết các Thỏa thuận là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực về lĩnh vực KH&CN. Thông qua Thỏa thuận, một mặt Việt Nam có thể hỗ trợ IAEA trong việc hướng dẫn Lào và Campuchia xây dựng dự án, mặt khác có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về ứng dụng NLNT cho nước bạn trên cơ sở năng lực kỹ thuật hiện tại của quốc gia cũng như xây dựng hạ tầng pháp quy để sử dụng NLNT một cách an toàn và an ninh.

Đối với hợp tác Việt Nam - Lào, trong lĩnh vực KH&CN nói chung cũng như lĩnh vực NLNT nói riêng, trước khi các bên ký Thỏa thuận hợp tác ba bên, Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào trước đây đã thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác song phương thông qua các dự án thuộc Nghị định thư do Chính phủ Việt Nam tài trợ, bao gồm Dự án Hỗ trợ Cơ quan An toàn bức xạ Lào xây dựng cơ sở hạ tầng quản lý và nâng cao năng lực kỹ thuật về an toàn bức xạ giai đoạn 2013 - 2015, hỗ trợ Lào soạn thảo Pháp lệnh NLNT (tiền thân của Luật Bảo vệ và An toàn bức xạ) và 02 Nghị định khác trong lĩnh vực này. Hợp tác Việt Nam - Lào cũng thu được những kết quả tích cực thông qua triển khai Nghị định thư nhằm hỗ trợ Lào xây dựng “Trung tâm thử nghiệm không phá hủy và kỹ thuật hạt nhân”.

Trong giai đoạn 2019-2022, trước những thách thức đặt ra do đại dịch Covid-19 cũng như ảnh hưởng của sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức Bộ KH&CN Lào, các cơ quan liên quan của Bộ KH&CN vẫn tích cực phối hợp với phía bạn để tổ chức nhiều hội thảo, khóa đào tạo về kiểm tra không phá hủy (NDT), ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, thanh tra an toàn bức xạ và hạt nhân, dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam làm việc với Bộ Giáo dục đào tạo và thể thao Lào (tháng 6-7/2022).

Triển khai Thỏa thuận, từ ngày 14 đến 17/6/2022, Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về thanh tra an toàn bức xạ và hạt nhân cho một số cán bộ của Lào. Từ ngày 27/6 đến 01/7/2022, Đoàn Công tác liên ngành của Việt Nam gồm 8 cán bộ của Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các chuyên gia của IAEA đã sang làm việc với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cùng với các cơ quan liên quan để xây dựng kế hoạch thúc đẩy hợp tác ứng dụng NLNT.

Về hợp tác với Campuchia, Việt Nam đã tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo cho các cán bộ của Campuchia về thanh tra Bảo vệ bức xạ và An toàn hạt nhân (27/9-01/10/2021), các phương pháp đánh giá không phá hủy (01-05/11/2021), ứng dụng chiếu xạ trong công nghiệp (12-13/10/2021) với 68 lượt cán bộ. Trong khuôn khổ hợp tác ba bên, từ ngày 21-25/3/2022, Đoàn chuyên gia Việt Nam gồm 4 cán bộ cùng các chuyên gia IAEA đã tới làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia nhằm xác định và lập kế hoạch định hướng chiến lược cho các hoạt động hỗ trợ Campuchia trong phát triển, ứng dụng NLNT, đảm bảo an toàn, an ninh. Từ ngày 14-23/7/2022, Đoàn cán bộ cấp cao của Campuchia do Thứ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia cũng đã sang thăm và làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ KH&CN Việt Nam để thúc đẩy hợp tác ứng dụng NLNT giữa hai nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Lê Xuân Định trao đổi với Thứ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchi Chan Sodavath.

Trước những kết quả tích cực trong quá trình triển khai Thỏa thuận, IAEA đánh giá rất cao mô hình hợp tác này và xem là hình mẫu để phổ biến trong khu vực. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, các bên cũng thống nhất ký gia hạn Thỏa thuận cho giai đoạn 05 năm tiếp theo. Tháng 9/2022, trong khuôn khổ Đại hội đồng IAEA lần thứ 66 tại thủ đô Viên, Áo đã diễn ra Lễ ký gia hạn Thỏa thuận hợp tác ba bên Việt Nam - IAEA - Lào/Campuchia. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã chứng kiến Lễ ký.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chứng kiến Lễ ký gia hạn Thỏa thuận hợp tác 3 bên IAEA-Việt Nam-Lào/Campuchia.

Trong 03 tháng cuối năm 2022, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện NLNT Việt Nam, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sẽ tiến hành tổ chức các khóa đào tạo, thực tập ngắn hạn cho các cán bộ của Lào và Campuchia về thanh tra, cấp phép tại các cơ sở y tế và công nghiệp, kỹ thuật đánh giá không phá hủy, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống và điều trị ung thư tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập hơn với thế giới và đứng trước thềm giai đoạn đầy thách thức để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, những kinh nghiệm quý báu về hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên cần được coi trọng và phát huy nhằm bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và nét tương đồng của các nền kinh tế trong khu vực. Tham gia sâu rộng vào các hình thức hợp tác Nam - Nam và ba bên giúp Việt Nam học tập, chia sẻ, và huy động các kinh nghiệm, tri thức, công nghệ, năng lực sẵn có, tăng cường gắn kết, phối hợp chính sách với các quốc gia khác, đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tiễn triển khai các dự án hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên cho thấy cần kết hợp hài hòa khả năng của Việt Nam với nhu cầu của các nước đang phát triển; bảo đảm các dự án hợp tác mang lại kết quả thiết thực cho người dân sở tại và kết hợp hiệu quả hỗ trợ tài chính của các đối tác phát triển với kinh nghiệm, kỹ thuật của Việt Nam trong các dự án này.

ThS. Lê Minh Hằng, TS. Trần Bích Ngọc

Cục Năng lượng nguyên tử

Tin Tức khác