Ấn phẩm mới của WHO và IAEA hướng dẫn về thiết bị xạ trị ung thư08:58:00 06/04/2021

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa xuất bản ấn phẩm mới hướng dẫn về việc trang bị thiết bị xạ trị để cải thiện khả năng tiếp cận với các phương pháp xạ trị ung thư.

Ấn phẩm mới của WHO/IAEA.

Ấn phẩm đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật mới giúp các cơ sở y tế, các quốc gia lựa chọn thiết bị xạ trị phù hợp và tiến hành điều trị an toàn, duy trì bền vững chất lượng dịch vụ. Ấn phẩm dành cho các nhà y vật lý, kỹ thuật viên, các bác sĩ chuyên ngành ung thư, xạ trị và các cá nhân liên quan trong quá trình sản xuất, lập kế hoạch, lựa chọn, mua sắm, hiệu chỉnh, lắp đặt và sử dụng thiết bị xạ trị. Đây là kết quả của chương trình hợp tác giữa WHO và IAEA nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ bức xạ an toàn và chất lượng trong y tế.

Hơn một nửa số bệnh nhân ung thư cần xạ trị

Hơn 50% bệnh nhân ung thư cần được xạ trị. Xạ trị là một trong những phương pháp được dùng để điều trị các loại ung thư phổ biến nhất như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng và phổi. Tuy nhiên, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhiều người bệnh không được tiếp cận với phương pháp xạ trị.

Ông May Abdel-Wahab, Giám đốc Bộ phận Y tế Con người của IAEA cho biết: “Theo số liệu của IAEA, khoảng 1/3 các quốc gia vẫn chưa có phương pháp xạ trị, trong đó có 28 quốc gia ở châu Phi. Nếu khả năng tiếp cận dịch vụ xạ trị được cải thiện, nhiều người dân sẽ được điều trị bằng phương pháp này. Vấn đề mấu chốt là điều chỉnh các giải pháp điều trị ung thư theo tình hình thực tế, trên nền tảng cơ sở hạ tầng an toàn, thích hợp”.

Các loại thiết bị xạ trị được đề cập trong hướng dẫn này bao gồm: máy xạ trị chiếu ngoài (máy xạ trị Cobalt-60 và máy gia tốc tuyến tính), thiết bị phục vụ kỹ thuật chiếu trong chọn lọc kết hợp với thiết bị hướng dẫn hình ảnh như máy chụp cắt lớp vi tính hoặc thông thường và các thiết bị cần thiết khác để vận hành an toàn và kiểm soát chất lượng xạ trị. Tùy thuộc vào loại thiết bị xạ trị, nhu cầu về đội ngũ nhân lực chuyên môn, cơ sở hạ tầng, vấn đề đảm bảo chất lượng và bảo trì có thể khác nhau.

Vấn đề đảm bảo an toàn cũng được đề cập nhiều trong ấn phẩm, bao gồm thông tin về quy hoạch các boongke chứa thiết bị xạ trị, tường che chắn, sàn - trần nhà và các nút khẩn cấp cho các phòng điều trị và điều khiển. Ngoài ra, ấn phẩm cũng cung cấp hướng dẫn rõ ràng về những điều kiện cần thiết để đảm bảo tối ưu chức năng và tuổi thọ thiết bị trong khoảng thời gian thông thường từ 10-15 năm.

Lựa chọn hệ thống xạ trị phù hợp với điều kiện của các cơ sở y tế và đội ngũ nhân lực hiện có giúp đảm bảo quá trình xạ trị an toàn, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận với các phương pháp điều trị bằng cách giảm thiểu sự gián đoạn của thiết bị xạ trị trong điều trị. Điều này cũng tạo dựng nền tảng vững chắc để mở rộng các dịch vụ khi mà hệ thống chăm sóc sức khỏe đã sẵn sàng để vận hành các hệ thống xạ trị phức tạp hơn.

            Tiến sĩ Bente Mikkelsen, người đứng đầu Bộ phận về Các bệnh không lây nhiễm của WHO cho biết: “Việc gián đoạn máy xạ trị trong điều trị vẫn tồn tại trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Đến nay, vấn đề càng trầm trọng hơn do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đội ngũ nhân lực không thể tự do di chuyển. Bất kỳ cải tiến nào có thể hạn chế những gián đoạn này đều mang đến sự thay đổi giữa ranh giới sống chết của mỗi bệnh nhân ung thư đang chờ đợi điều trị mỗi ngày".

Tuy nhiên, thiết bị xạ trị chỉ là một yếu tố của quá trình chăm sóc ung thư. Những vấn đề khác cần được quan tâm đó là: phát hiện sớm, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, giải phẫu bệnh, phẫu thuật, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ. WHO đã liệt kê các công nghệ liên quan trong Danh sách các thiết bị y tế trong chăm sóc ung thư.

Các sáng kiến ​​về ung thư toàn cầu

Một lĩnh vực mà xạ trị đóng vai trò quan trọng là điều trị ung thư cổ tử cung - một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ do ung thư. Từ năm ngoái, WHO đã đưa ra chiến lược toàn cầu để loại trừ căn bệnh này. Tiến sĩ Nono Simelela, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về Chiến lược cho biết: “Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. WHO có công cụ để điều trị bệnnh này và xạ trị là một trong số đó. Ngoải ra, xạ trị còn là một trong những công cụ hiệu quả nhất để giảm thiểu đau đớn trong điều trị ung thư giai đoạn cuối”.

UNITAID - một cơ quan y tế toàn cầu tham gia vào việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm chính ở các nước thu nhập thấp và trung bình, gần đây đã mở rộng danh mục đầu tư đến các bệnh đồng mắc với HIV, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung. Ông Robert Matiru, Giám đốc Bộ phận Chương trình của UNITAID cho biết: “Mặc dù các khoản đầu tư mở rộng của UNITAID hướng đến các chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung, nhưng các công việc như mua sắm thiết xạ trị cũng là khâu quan trọng trong quá trình chăm sóc liên tục cho những phụ nữ cần điều trị ung thư xâm lấn”.

Xạ trị cũng là một phần không thể thiếu trong việc kiểm soát ung thư vú và ung thư ở trẻ em. Đây là hai sáng kiến ​​lớn khác của WHO về ung thư toàn cầu.

 Ấn phẩm mới của WHO/IAEA cung cấp những thông số kỹ thuật được cập nhật so với phiên bản năm 2008 do IAEA xuất bản. Những thay đổi trong ấn phẩm mới này sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu bệnh nhân ung thư trên toàn cầu.

Bản điện tử Ấn phẩm mới của WHO/IAEA có thể được download miễn phí tại địa chỉ: https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/339912/9789240019980-eng.pdf

 

WHO hỗ trợ các quốc gia trong việc tăng cường các chính sách kiểm soát ung thư quốc gia và hệ thống chăm sóc sức khỏe, đảm bảo thiết lập mức độ ưu tiên phù hợp và thiết lập hoặc nhân rộng dịch vụ chăm sóc ung thư có chất lượng, công bằng và dễ tiếp cận như một phần của chương trình bảo hiểm y tế toàn dân. Trọng tâm về ung thư của WHO là ung thư ở trẻ em, ung thư cổ tử cung và ung thư vú.

IAEA hỗ trợ các quốc gia trong việc sử dụng y học hạt nhân và bức xạ để chống lại một loạt bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả ung thư. IAEA hỗ trợ huy động nguồn lực và mua sắm trang thiết bị, cũng như thông qua các tài liệu đào tạo, giáo dục, nghiên cứu, hướng dẫn và thực hiện đánh giá chất lượng.

Vũ Thùy Vân – Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân

Nguồn: who.int