Chủ tịch Diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản Imai hối thúc việc sử dụng điện hạt nhân như một nguồn năng lượng cơ bản09:15:00 23/04/2015
Từ ngày 13 – 14/4/2015, Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JAIF) đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị có sự tham dự của ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông William Magwood, Chủ tịch JAIF Takashi IMAI, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng hạt nhân (NEA) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Daishiro Yamagiwa, và khoảng 950 lãnh đạo, chuyên gia đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chủ đề chính được trao đổi trong Hội nghị là vai trò của năng lượng hạt nhân hiện nay và các vấn đề cần thực hiện để tái thiết Fukushima. Chủ tịch JAIF Takashi IMAI phát biểu tại Hội nghị. Tại phiên khai mạc, Chủ tịch JAIF Takashi IMAI bày tỏ lo ngại về những khó khăn mà kinh tế Nhật Bản phải đối mặt trong suốt thời gian các nhà máy điện hạt nhân của nước này (ĐHN) dừng hoạt động, cũng như việc tăng lượng phát thải khí CO2 trong các hoạt động công nghiệp, qua đó nhấn mạnh cần phải giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện bằng cách nhanh chóng khởi động lại các nhà máy ĐHN mà mức độ an toàn đã được đảm bảo. Ông IMAI mong muốn Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng cơ bản. Ông cũng gợi ý rằng, để giới thiệu năng lượng hạt nhân một cách an toàn ra thế giới, Nhật Bản cần thiết phải duy trì, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực hạt nhân. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Daishiro Yamagiwa đã trình bày về công tác tháo dỡ và xử lý nước nhiễm xạ tại nhà máy ĐHN Fukushima Daiichi. Ông Yamagiwa cho biết, những bước tiến vững chắc đã được ghi nhận liên quan tới việc dỡ bỏ nhiên liệu đã qua sử dụng tại bể chứa tổ máy số 4 vào năm 2014, cũng như việc lắp đặt thêm các thiết bị loại bỏ nhân phóng xạ, còn gọi là các hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS). Tuy nhiên, ông cũng nhắc tới những vấn đề lớn còn tồn tại liên quan tới người dân bị ảnh hưởng do tai nạn tại Fukushima Daiichi và những người bị buộc phải sống trong những điều kiện tồi tệ, và cho biết Chính phủ đã và đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ những người dân này. Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano đã có bài phát biểu về sự phát triển của điện hạt nhân trên thế giới. Ông Amano cho rằng, mặc dù bước tiến của điện hạt nhân chậm hơn so với các dự đoán trong quá khứ nhưng điện hạt nhân vẫn được kỳ vọng “sẽ tiếp tục phát triển trong vài thập kỷ tới”. Về sự bùng nổ trong xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới ở Châu Á, ông cho rằng nguyên nhân một phần do sự tăng trưởng đáng chú ý của các nền kinh tế tại Châu Á. Trên thực tế, các quốc gia đang phát triển cũng thể hiện sự quan tâm đối với năng lượng hạt nhân. Ông Amano nhấn mạnh vai trò của điện hạt nhân như một nguồn năng lượng cơ bản trong thời kì mà nhu cầu về năng lượng ngày một tăng ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, ông khẳng định: “An toàn là chìa khóa của năng lượng hạt nhân trong tương lai”. Ông Amano dẫn chứng rằng, những công cụ chẩn đoán bệnh Ebola là một minh chứng cho đóng góp của khoa học và công nghệ hạt nhân trong việc cải thiện cuộc sống của con người, đặc biệt là trong phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh, “năng lượng hạt nhân cho hòa bình và phát triển” là một nhiệm vụ của IAEA. Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng hạt nhân (NEA) thuộc OECD, ông William Magwood đã đề cập tới báo cáo về Fukushima cũng như ứng phó của NEA và OECD, các bài học rút ra sau tai nạn Fukushima Daiichi. Ông Magwood cho rằng tai nạn Fukushima Daiichi không chỉ là vấn đề về kỹ thuật mà còn có cả yếu tố con người, bao gồm cả việc thiếu sự chuẩn bị cho những tai nạn nghiêm trọng và tư duy tổ chức có hệ thống. Trong hai ngày Hội nghị, các đại biểu đã nghe các bài trình bày và thảo luận về các vấn đề như tương lai của Nhật Bản và Hoa Kỳ trên thị trường hạt nhân quốc tế; mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính - vấn đề đang được Chính phủ Nhật Bản quan tâm hiện nay; tình hình hiện tại và tương lai của nhà máy ĐHN Fukushima Daiichi; tình hình và hiện trạng phát triển điện hạt nhân tại Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Châu Âu; sự chấp thuận của công chúng đối với điện hạt nhân,... Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân đánh giá lại vai trò và tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân nhằm xây dựng chính sách hạt nhân thích hợp cho Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới. Trần Xuân Bách, phòng TT NLNT - Nguồn: JAIF Tin Tức khác
|
Google translate Thông báo Liên kết
Thư viện ảnh Thống kê truy cập |