Ethiopia: vắc-xin được chiếu xạ góp phần nâng cao chất lượng gia súc phục vụ xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực14:23:00 12/12/2019

Theo Ngân hàng Thế giới, với khoảng 60 triệu gia súc, Ethiopia là quốc gia có ngành chăn nuôi lớn nhất châu Phi và lớn thứ năm trên thế giới. Ngành chăn nuôi đóng góp 20% tỷ trọng trong nền kinh tế của đất nước và gần 10% kim ngạch xuất khẩu.

Ethiopia xuất khẩu hơn một triệu con gia súc mỗi năm. Để phòng chống dịch bệnh, tất cả gia súc dù được xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước cũng cần phải được tiêm phòng các bệnh như: bệnh lở mồm long móng, bệnh đậu cừu, bệnh đậu dê, bệnh tả ở loài nhai lại nhỏ, bệnh da sần, bệnh viêm màng phổi truyền nhiễm, … Các vắc-xin này được nghiên cứu và sản xuất tại Viện Thú y quốc gia ở miền trung Ethiopia với sự trợ giúp của kỹ thuật hạt nhân. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) hỗ trợ Ethiopia từ việc nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh đến việc sản xuất vắc-xin để sử dụng trong nước và xuất khẩu sang một số nước láng giềng.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc-xin ngày càng tăng ở trong nước và những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của một số nước, Viện Thú y quốc gia Ethiopia trong thập kỷ qua đã tăng lượng vắc-xin từ 93 triệu liều lên 260 triệu liều mỗi năm. Lượng vắc-xin còn được xuất khẩu sang các nước láng giềng, giúp chống lại vi-rút đậu dê và đậu cừu. Việc loại bỏ vi-rút này là mục tiêu chính của Liên minh châu Phi.

Ông Fantemagegn Tufa, trưởng bộ phận phụ trách đảm bảo quy trình thông quan đối với gia súc trực thuộc Bộ Nông nghiệp Ethiopia cho biết “Xuất khẩu gia súc có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước. Những đóng góp của Viện Thú y quốc gia cho ngành chăn nuôi là vô cùng to lớn. Bộ Nông nghiệp mua vắc-xin từ Viện Thú y quốc gia và phát cho nông dân trong đó có những người chăn thả du mục ở phía Đông Ethiopia. Đàn gia súc của họ bị phơi nhiễm bệnh nhiều nhất do di chuyển trên khu vực rộng lớn và tiếp xúc với động vật hoang dã”.

Việc dự trữ và cung ứng vắc-xin rất quan trọng để kiểm soát ngăn ngừa sự lây lan của nhiều bệnh động vật, bao gồm cả bệnh có thể lây sang người. Ở động vật cũng giống như ở người, vắc-xin có tác dụng kích hoạt khả năng miễn dịch giúp cơ thể chuẩn bị chống chịu bệnh trong tương lai. Một số vắc-xin sử dụng các vi sinh vật sống, như vi-rút, có thể dẫn đến sự bùng phát của bệnh. Công nghê bức xạ có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng cách vô hiệu hóa vi sinh vật để không lây nhiễm cho động vật đã được tiêm phòng. Đồng thời, do chiếu xạ không ảnh hưởng đến cấu trúc vi sinh vật nên hệ thống miễn dịch vẫn có thể nhận biết các vi sinh vật, từ đó sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể. Chiếu xạ vắc-xin là biện pháp đảm bảo vắc-xin không bị nhiễm bẩn.

Ông Charles Lamien, Phòng Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong Thực phẩm và Nông nghiệp của FAO/IAEA cho biết: Sử dụng công nghệ chiếu xạ để sản xuất vắc-xin an toàn hơn cho động vật vì phương pháp này không sử dụng hóa chất hoặc các hợp chất thông thường dùng để khử vi-rút. Các loại vắc-xin được chiếu xạ này có chất lượng cao hơn vì bảo quản cấu trúc của vi sinh vật tốt hơn, dẫn đến phản ứng bảo vệ miễn dịch tốt hơn. Ông Charles Lamien khẳng định hiện nay IAEA trông cậy vào các chuyên gia của Viện Thú y quốc gia Ethiopia trong việc đào tạo các nhà khoa học các nước châu Phi sử dụng các kỹ thuật hạt nhân khác nhau trong bảo vệ sức khỏe gia súc. Những căn bệnh mà gia súc mắc phải có thể lây lan xuyên biên giới, vì vậy cần phải nhìn nhận và đánh giá trên toàn lục địa để phòng chống lại các bệnh này. 12 triệu hộ gia đình nông dân chăn nuôi gia súc tại các quốc gia châu Phi đang được hưởng lợi từ công nghệ hạt nhân.

IAEA và FAO hợp tác với nhau thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật đã hỗ trợ Viện Thú ý quốc gia Ethiopia đào tạo đội ngũ nhân viên và cung cấp vật tư và thiết bị. Tất cả kỹ thuật viên của Phòng Nghiên cứu và Phát triển của Viện Thú ý quốc gia Ethiopia đều được FAO/IAEA đào tạo. Ông Martha Yami, Viện trưởng Viện Thú y quốc gia cho hay thông qua các khóa học ngắn hạn hay dài, tất cả các kỹ thuật viên đều được tiếp cận với khoa học tiên tiến.

Một nhà nghiên cứu tại Viện thú y quốc gia Ethiopia sử dụng các thiết bị và vật liệu do IAEA tài trợ để nghiên cứu cấu tạo di truyền của vi-rút để phát triển vắc-xin phù hợp (Ảnh: IAEA)

Ông Yami chia sẻ IAEA đóng vai trò nòng cốt trong việc thành lập Phòng thí nghiệm phân tử trực thuộc Viện Thú y quốc gia, nơi phân tích đặc tính các chủng vi-rút mới, từ đó có thể nghiên cứu điều chỉnh vắc-xin để bảo vệ cơ thể và chống lại các chủng vi-rút mới.

Kỹ thuật hạt nhân có thể phân tích đặc trưng DNA và RNA của vi-rút đồng thời phát hiện sự khác biệt giữa các chủng vi-rút. Kỹ thuật này được sử dụng để so sánh vi-rút từ ổ dịch với vắc-xin. Nếu đặc điểm của vi-rút và vắc-xin càng tương đồng thì khả năng bảo vệ động vật của vắc-xin càng cao. Ngược lại, nếu đặc điểm của chúng không tương đồng, người ta sẽ điều chỉnh vắc-xin cho phù hợp.

Ông Fantemagegn Tufa, Bộ Nông nghiệp Ethiopia cho biết tầm quan trọng của ngành chăn nuôi gia súc và việc chăm sóc sức khỏe gia súc không chỉ là vấn đề kinh tế. Gia súc là nguồn thu nhập chính của những chăn nuôi gia súc, là nguồn dự trữ và đảm bảo cho cuộc sống của họ ở những thời điểm khó khăn. Việc cải thiện sức khỏe gia súc và tăng năng suất chăn nuôi là mục tiêu phát triển then chốt của Chính phủ.

Vũ Thùy Vân, Phòng Quản lý KH&CN hạt nhân (Biên dịch)

Nguồn: IAEA