HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM NĂM 201911:38:00 08/11/2019

Thực hiện quy định tại Điều 8 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 9 tháng 11) được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Ngày 24/10/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3090/QĐ-BKHCN với mục đích đưa việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên, phát huy tính tích cực, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng thi hành pháp luật, tạo chuyển biến căn bản trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hướng ứng ngày Pháp luật năm 2019, theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Năng lượng nguyên tử giới thiệu một số văn bản đáng chú ý để độc giả tham khảo và triển khai thực hiện như sau:

1. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013. Luật Khoa học và công nghệ quy định về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; việc tổ chức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ; biện pháp bảo đảm phát triển khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014.

2. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực từ 1/7/2018: Luật đã cụ thể hóa hoạt động chuyển giao công nghệ, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước. Đồng thời , bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học công nghệ… nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế xã hội.

3. Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 03/6/2008 và có hiệu lực từ 01 tháng 1 năm 2009: Luật Năng lượng nguyên tử quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó. Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam. Luật gồm 11chương, 93 điều: Những quy định chung; Các biện pháp đẩy mạnh phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; An toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân; Cơ sở bức xạ; Cơ sở hạt nhân; Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ; Vận chuyển và nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ, thiết bị hạt nhân; Dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; Khai báo và cấp giấy phép; Ứng phó sự cố, bồi thường thiệt hại bức xạ, hạt nhân; Điều khoản thi hành.

4. Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019: đây là căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong hoạt động quy hoạch. Luật quy hoạch được xây dựng với bố cục gồm 6 chương, 59 điều quy định về việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

5. Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, số 35/2018/QH14 bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019. Luật bao gồm 31 điều, trong đó có 30 điều quy định việc sửa đổi 37 luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

6. Nghị định số 41/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2019 quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2019. Nghị định gồm 05 chương, 36 điều, quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nội dung quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; Thời kỳ quy hoạch, thời hạn lập quy hoạch; Hoạt động quy hoạch; Chi phí cho hoạt động quy hoạch; Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch, cơ quan lập hợp phần quy hoạch; (2) Nhiệm vụ lập quy hoạch; (3) Tổ chức lập quy hoạch; (4) Thẩm định quy hoạch; (5) Phê duyệt, công bố quy hoạch; (6) Thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; (7) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

7. Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 06/4/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018: Luật tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Phòng Chính sách Năng lượng nguyên tử, Cục Năng lượng nguyên tử