IAEA hỗ trợ các quốc gia thành viên phát hiện chủng virus corona11:20:00 24/03/2020

Ngày 13/3/2020, Ông Rafael Mariano Grossi - Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - tuyên bố: “IAEA sẽ cung cấp bộ dụng cụ chẩn đoán, trang thiết bị và tổ chức đào tạo về kỹ thuật phát hiện hạt nhân phái sinh (nuclear-derived detection techniques) cho các quốc gia thành viên có yêu cầu hỗ trợ để đối phó với sự lây lan của chủng virus corona COVID-19 trên toàn thế giới ”.

Kỹ thuật chẩn đoán hạt nhân phái sinh với tên gọi “RT-PCR thời gian thực” có thể giúp
phát hiện và xác định chính xác virus corona mới trong vài giờ. (Ảnh: IAEA)

Có 14 quốc gia thành viên ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Caribê đã yêu cầu sự hỗ trợ của IAEA. Sự hỗ trợ này là một phần của các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn các bệnh lây nhiễm. Kỹ thuật chẩn đoán “Phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực (RT-PCR)” có thể giúp phát hiện và xác định chính xác virus corona chủng mới trong vài giờ trên người cũng như trên động vật.

Ông Gross phát biểu “IAEA tự hào về khả năng ứng phó nhanh với các cuộc khủng hoảng, trong đó có có các dịch bệnh do virus Ebola, Zika và dịch tả lợn châu Phi gây ra gần đây. Trong tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn ra, tham gia cùng cộng đồng quốc tế để đối phó với virus corona vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

Khóa đào tạo đầu tiên về kỹ thuật phát hiện chủng virus corona sẽ được tổ chức tại Phòng thí nghiệm chung của IAEA và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc về năng suất và sức khỏe động vật  tại Seibersdorf, Áo, vào cuối tháng 3/2020. Tham gia khóa đào tạo này có các chuyên gia y tế và thú y đến từ Campuchia, Congo, Bờ biển Ngà, Ethiopia, Kenya, Madagascar, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Các khóa đào tạo vùng tiếp theo sẽ được tổ chức cho các quốc gia còn lại, bao gồm cả các nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribê.

Các học viên sẽ được đào tạo về quy trình an toàn và an ninh sinh học để bảo vệ nhân viên y tế và nhân viên thú y trong quá trình lấy mẫu, phân tích mẫu và ngăn ngừa sự lây nhiễm ra bên ngoài. Họ sẽ ngay lập tức nhận được bộ kit chụợc bộ toàn h trong trưộ toàn  khẩn cấp cùng với thiết bị bảo hộ cá nhân, các thuốc thử chẩn đoán đặc hiệu và vật tư phòng thí nghiệm. Một số phòng thí nghiệm quốc gia cũng sẽ nhận được các thiết bị bổ sung như tủ an toàn sinh học và thiết bị RT-PCR.

Khóa đào tạo có sự tham gia của các chuyên gia thú y nhằm tăng cường năng lực của các quốc gia trong phát hiện sớm các loại virus gây bệnh truyền nhiễm - những loại virus có nguồn gốc từ động vật có thể lây sang người. Họ sẽ được đào tạo để xét nghiệm động vật hoang dã và động vật nuôi có liên quan đến việc lây lan virus corona, chẳng hạn như chủng SARS-CoV-2 mới gây ra COVID-19 và những loại virus khác gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

 

RT-PCR là một kỹ thuật sinh học phân tử được sử dụng trong phòng thí nghiệm dựa trên phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase (Polymerase chain reaction – PCR) nhằm khuếch đại và đồng thời xác định được số lượng của phân tử DNA mong muốn. Áp dụng kỹ thuật RT- PCR người dùng không cần thiết phải thực hiện thao tác điện di sản phẩm PCR trên gel agarose để xác định sản phẩm sau khuếch đại. Kỹ thuật RT-PCR gồm hai quá trình diễn ra đồng thời: nhân bản DNA bằng phản ứng PCR và đo độ phát huỳnh quang tỷ lệ thuận hoặc nghịch với số đoạn DNA tạo thành. Ở kỹ thuật này có sử dụng các kỹ thuật về huỳnh quang nên được gọi là kỹ thuật hạt nhân phái sinh (nuclear-derived techniques). Đây được coi  là các công cụ quan trọng giúp phát hiện nhanh và mô tả đặc trưng của các loại virus, giống như chủng COVID-19. Theo ông Enrique Estrada Lobato, một bác sĩ y học hạt nhân của IAEA thì “Các công cụ như vậy là cách duy nhất để có được sự chính xác”.

 

Chu Minh Dương

 Phòng Quản lý Khoa học và công nghệ hạt nhân

Nguồn: iaea.org