Ứng dụng chiếu xạ trong xử lý thiết bị bảo hộ cá nhân12:12:00 19/05/2020

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhu cầu lớn chưa từng có về thiết bị bảo hộ cá nhân (Personal Protective Equipment - PPE), trong đó có nhiều loại phải được vô trùng, tức là được miễn nhiễm với bất kỳ vi sinh vật nào có thể gây nguy hiểm đến sự an toàn của bệnh nhân, chẳng hạn như vi khuẩn hoặc nấm mốc. Ông Paul Wynne, Chủ tịch Hiệp hội Chiếu xạ Quốc tế cho biết: vì chiếu xạ thường được sử dụng để khử trùng các sản phẩm y tế, do vậy cũng có thể sử dụng công nghệ này để gia tăng nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân.

https://www.world-nuclear-news.org/BlankSiteASPX/media/WNNImported/mainimagelibrary/people/VP.jpg?ext=.jpg

Ông Paul Wynne, Chủ tịch Hiệp hội Chiếu xạ quốc tế.

Khoảng một nửa số lượng sản phẩm y tế dùng một lần được cung cấp trên toàn cầu đã sử dụng công nghệ chiếu xạ. Việc chiếu xạ, trong đó chủ yếu là dùng tia gamma, để khử trùng bắt đầu xuất hiện vào những năm 1950 để loại bỏ các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và bào tử khỏi các thiết bị y tế. Hiện nay, khoảng 50% sản phẩm chăm sóc sức khỏe như găng tay, ống tiêm, các sản phẩm và thiết bị y tế dùng một lần được khử trùng bằng tia gamma, chùm tia điện tử hoặc tia X trước khi sử dụng.

Chiếu xạ đã trở thành một công nghệ quan trọng được quan tâm phát triển khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe và các sản phẩm vô trùng ngày càng tăng. Thiết bị phẫu thuật sử dụng nhiều lần, bao gồm các dụng cụ phẫu thuật, áo choàng y tế và khăn trải giường chủ yếu được xử lý bằng nồi hấp đặt tại bệnh viện, phòng khám hoặc khu vực gần đó.  

Thiết bị y tế dùng một lần và các sản phẩm liên quan được khử trùng để bảo vệ bệnh nhân khỏi bị nhiễm khuẩn trong quá trình phẫu thuật và xâm lấn. Ngược lại, thiết bị bảo hộ cá nhân được thiết kế để bảo vệ người sử dụng khỏi những rủi ro khi làm việc. Hiểu được sự khác biệt về mục đích của sản phẩm và việc sử dụng chúng là rất quan trọng khi xem xét các biện pháp mở rộng nguồn cung sản phẩm, bên cạnh việc tăng cường năng lực sản xuất hoặc cho phép tái sử dụng các sản phẩm.

Để tái sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân an toàn cần phải loại bỏ hoặc làm vô hiệu hóa bất kỳ mối lây nhiễm COVID-19 nào. Việc xác định mức độ nhiễm khuẩn tiềm năng tối đa cũng rất cần thiết để có thể tính được liều chiếu xạ tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm. Ngoài ra, điều quan trọng là phải hiểu liều chiếu xạ cần thiết đó có ảnh hưởng không tốt nào đến tính toàn vẹn hoặc chức năng của sản phẩm được xử lý hay không.

Việc khử trùng các thiết bị và sản phẩm y tế dùng một lần bằng chiếu xạ gamma là một quy trình được thực hiện nghiêm ngặt, được hỗ trợ bởi rất nhiều dữ liệu kỹ thuật liên quan đến khả năng tương thích của vật liệu. Những quy định toàn diện được thiết lập để chắc chắn rằng các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu đặt ra về đảm bảo vô trùng và tính năng hoạt động.

Các cơ sở chiếu xạ công nghiệp có thể được sử dụng để xử lý các sản phẩm có kích thước và khối lượng khác nhau đòi hỏi liều chiếu xạ khác nhau. Khả năng các vật liệu bị nhiễm khuẩn được đưa vào một cơ sở chiếu xạ đang vận hành cho thấy nhiều rủi ro và thách thức chưa từng tồn tại trước đây và cần phải xem xét cẩn thận trước khi bắt đầu quá trình xử lý.

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng virus corona chủng mới bắt đầu được ghi nhận vào tháng 1 và 2 năm 2020 ở Trung Quốc, nhu cầu về quần áo bảo hộ tăng đột ngột ở nước này, sau đó lan rộng trên toàn thế giới. Ở Trung Quốc, Quốc vụ viện đã cho phép xử lý quần áo bảo hộ bằng chiếu xạ thay thế cho ethylene oxide. Các thiết bị xử lý bằng chiếu xạ có thể sử dụng ngay sau quá trình xử lý trong khi nếu xử lý bằng ethylene oxide yêu cầu thời gian cách ly sau quá trình xử lý từ 7 đến 14 ngày. Cùng với việc tăng công suất sản xuất, ứng dụng chiếu xạ đã làm tăng nguồn cung sẵn có thiết bị bảo hộ cá nhân. Sáng kiến này được đưa ra bởi Hiệp hội bức xạ và đồng vị Trung Quốc và được tích cực triển khai bởi các công ty như Tập đoàn đồng vị và bức xạ Trung Quốc thuộc Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc.

Khi mức độ nghiêm trọng của COVID-19 ngày càng trở nên rõ ràng, các tổ chức như Phòng thí nghiệm Nelson, nhà cung cấp thử nghiệm trong phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và nhiều nơi khác ở Hoa Kỳ đã bắt đầu nghiên cứu để đối phó với những thách thức liên quan đến việc tái xử lý thiết bị bảo hộ cá nhân.

Gần đây, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bức xạ được phát hiện có hiệu quả trong việc khử trùng thiết bị bảo hộ cá nhân ngoại trừ mặt nạ thở. IAEA khuyến cáo xử lý bức xạ các thiết bị trước khi sử dụng, trong đó đề xuất sử dụng bức xạ để xử lý các sản phẩm mới. Gần đây, IAEA cũng đã xem xét các kết quả của 05 tổ chức đã thực hiện nghiên cứu kiểm tra tác động của bức xạ ion hóa, gồm tia gamma và tia điện tử, khi được sử dụng để khử trùng mặt nạ thở đã qua sử dụng, bao gồm các mẫu N95 và FFP2 thường được dùng cho nhân viên y tế. Với rủi ro truyền nhiễm COVID-19, khẩu trang đặc biệt quan trọng đối với cả nhân viên y tế và công chúng.

Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị sử dụng khẩu trang loại FFP2 (N95/KN95) trong dịch SARS, cúm gia cầm và COVID-19 vì những mặt nạ này có thể lọc được 95% các hạt trong không khí và bảo vệ mặt người đeo khỏi các giọt bắn. Những mặt nạ này khác với mặt nạ phẫu thuật, chủ yếu chỉ bảo vệ người khác từ khí thở ra của người đeo.

Theo đánh giá của IAEA về nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các viện nghiên cứu ở Pháp, Israel, Ba Lan, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, liều bức xạ cần thiết để khử trùng hoặc khiến virus COVID-19 bất hoạt sẽ làm giảm khả năng lọc và hiệu suất của mặt nạ. Trong các nghiên cứu này, mặt nạ được chiếu xạ với liều 24 kGy. Khả năng lọc được chứng minh là giảm đáng kể, trong khi không có báo cáo về việc thay đổi cấu trúc trong mặt nạ. Các thử nghiệm đã được thực hiện bằng cách sử dụng hỗn hợp chiếu xạ gamma và chùm tia điện tử.

Ngành công nghiệp chiếu xạ đã cung cấp một dịch vụ quan trọng trong việc cung cấp các thiết bị y tế vô trùng dùng một lần. Tuy nhiên, với nhận thức rằng không có giải pháp phù hợp cho tất cả các vấn đề nên ngành công nghiệp chiếu xạ luôn hỗ trợ việc sử dụng các công nghệ thay thế và cung cấp những giải pháp nâng cao.

 

Nguyễn Minh Hùng, Phòng Chính sách NLNT

Nguồn: https://www.world-nuclear-news.org/Articles/Viewpoint-Using-irradiation-to-treat-PPE