Ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân trong bảo vệ chất lượng không khí15:18:00 09/07/2019
Chất lượng không khí mà chúng ta đang hít thở có liên quan mật thiết đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của chúng ta. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 4,2 triệu người bị chết liên quan đến ô nhiễm không khí, khoảng 3,8 triệu người khác tử vong với nguyên nhân từ khói từ đun nấu hoặc đốt nhiên liệu trong nhà. Mục tiêu thứ 3 của Chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã đưa vào nội dung giảm số người tử vong và mắc các bệnh gây ra bởi ô nhiễm không khí đến năm 2030. Chuyên gia của Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc gia Indonesia (BATAN) đang phân tích các mẫu không khí lấy từ 17 thành phố trên cả nước (Ảnh: IAEA) Ô nhiễm không khí chủ yếu do các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp hay các hoạt động khác của con người gây ra. Tuy nhiên, một số chất gây ô nhiễm là chất khí phóng xạ (ví dụ: radon) có nguồn gốc tự nhiên, sinh ra ở các mỏ uranium và phân tán vào khí quyển. Đối với hầu hết mọi người, radon là nguồn phóng xạ lớn nhất mà họ phải chịu trong suốt cuộc đời của mình. Nhằm thúc đẩy và mở rộng đóng góp của khoa học và công nghệ hạt nhân cho phát triển bền vững, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã hợp tác với các nhà khoa học môi trường, nhà vật lý hạt nhân và nhà quản lý của các quốc gia thành viên nhằm phát triển ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật đồng vị mới để bảo vệ môi trường, chẳng hạn như nghiên cứu về lõi băng để hiểu về sự thay đổi của mức độ ô nhiễm theo thời gian và dự đoán sự di chuyển của các chất ô nhiễm trên toàn thế giới. Các dữ liệu có được từ ứng dụng các kỹ thuật này sẽ đóng góp vào nỗ lực cải thiện và đảm bảo chất lượng không khí. Các hoạt động thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA, với sự hỗ trợ của các Phòng thí nghiệm về môi trường đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, có thể kể đến như: Vào năm 2018, một khóa đào tạo từ xa đã được tổ chức nhằm hỗ trợ việc ứng dụng phân tích kích hoạt neutron cho các nhà khoa học ở 40 quốc gia. Phân tích kích hoạt neutron là một kỹ thuật có độ nhạy cao cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra và đo chất lượng không khí trong nhà bằng cách xác định những chất gây ô nhiễm và nguồn gốc của chúng;
Gần đây, IAEA đã tổ chức một hội thảo trực tuyến (thời lượng khoảng 90 phút) với nội dung phổ biến các chính sách phòng chống và giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ gây bởi khí radon và nâng cao nhận thức về vấn đề này. Một trong những vấn đề được làm rõ làm thế nào để kiểm tra vật liệu xây dựng các tòa nhà có chứa các hạt nhân phóng xạ tự nhiên hay không. Bên cạnh đó, Hội thảo còn chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng và những nguyên tắc giảm thiểu khí radon. Hàng năm, Ngày Môi trường Thế giới 6-5 được tổ chức nhằm khuyến khích các hoạt động nâng cao nhận thức và tổ chức các sự kiện bảo vệ môi trường. Trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm “Chống ô nhiễm không khí”, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay tập trung vào tầm quan trọng của việc đo đạc và bảo vệ chất lượng không khí, như một yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. IAEA đã và đang giúp đỡ các nước thành viên phát triển ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trên nhiều khía cạnh của bảo vệ môi trường như nghiên cứu, quan trắc và đánh giá chất lượng không khí.
Trần Xuân Bách, Phòng Thông tin NLNT (tổng hợp) Tin Tức khác
|
Google translate Thông báo
Liên kết Thư viện ảnh Thống kê truy cập |