Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong kiểm soát các bệnh truyền nhiễm16:55:00 09/10/2020
Phát hiện sớm là chìa khóa để giảm thiểu sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Kỹ thuật hạt nhân là công cụ đáng tin cậy giúp điều tra, ngăn ngừa, phát hiện và ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh lây truyền từ động vật. RT-PCR là phương pháp chính xác nhất để phát hiện virus COVID-19. Phòng thí nghiệm Sức khỏe và Bảo vệ Động vật FAO/IAEA đã giúp các nước sử dụng kỹ thuật này để phát hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người như COVID-19 và Ebola trong nhiều thập kỷ. Bệnh truyền nhiễm Bệnh truyền nhiễm là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi mầm bệnh như vi khuẩn, virus hoặc các vi sinh vật (ký sinh trùng và nấm). Sau khi xâm nhập vào cơ thể, mầm bệnh sinh sôi và phá vỡ cách thức hoạt động của cơ thể. Các loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh phụ thuộc vào mầm bệnh và vật chủ, có thể là con người hoặc động vật. Ví dụ, trong trường hợp COVID-19, một số người không có dấu hiệu/triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ, chẳng hạn như mệt mỏi và đau nhức cơ thể, nhưng những người khác có các triệu chứng nghiêm trọng và suy nhược cơ thể, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan từ người sang người, từ động vật sang động vật hoặc từ động vật sang người. Bệnh này có thể lây lan bởi các vật trung gian mang và truyền mầm bệnh. Đó là các sinh vật sống như côn trùng. Hiện nay, hơn 60% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Các nhà khoa học đã phát hiện ra hơn 75% các bệnh mới ở động vật đều lây truyền sang người. Mỗi năm có khoảng 2,6 tỷ người mắc bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và gần 3 triệu người chết vì những bệnh này. Một số bệnh truyền nhiễm từ động vật được biết đến rộng rãi là Ebola, hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và COVID-19. Bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, tái bùng phát và lan rộng Bệnh truyền nhiễm là mối đe dọa dai dẳng bởi bệnh lây truyền cho cả người, động vật và lây truyền xuyên biên giới. Các bệnh hoặc các chủng mầm bệnh mới vẫn xuất hiện và các bệnh cũ có thể biến mất nhưng sau đó lại tái xuất hiện. Một số bệnh và mầm bệnh có một vài chủng hoặc biến thể. Khi bệnh tật không ngừng gia tăng, khoa học và y học cũng phải phát triển theo. Bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và động vật, đồng thời có thể làm tổn hại đến chất lượng cuộc sống và làm tổn thương nền kinh tế. Các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người nghèo, người già, người có hệ miễn dịch yếu chịu ảnh hưởng không giống nhau. Phần lớn nạn nhân của bệnh truyền nhiễm là ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo. Nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và lây lan ở con người hiện đang lớn hơn bao giờ hết. Toàn cầu hóa, gia tăng dân số và đô thị hóa đồng nghĩa với việc con người di chuyển nhiều hơn và sống gần nhau hơn, trong khi nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, vấn đề di cư và ngành chăn nuôi đang thu hẹp các rào cản giữa con người và động vật, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ động vật. Việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm cũng trở nên khó khăn hơn do nguy cơ kháng thuốc kháng sinh của một số mầm bệnh gia tăng, sự xuất hiện trở lại của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin và các mầm bệnh mới chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị. Nhiều quốc gia không được trang bị đầy đủ để chẩn đoán chính xác sớm các bệnh truyền nhiễm này, làm tăng nguy cơ lây lan. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý sớm các bệnh truyền nhiễm Phát hiện sớm là chìa khóa để giảm thiểu sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Kỹ thuật hạt nhân là công cụ đáng tin cậy giúp điều tra, ngăn ngừa, phát hiện và ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh lây truyền từ động vật. Một trong những xét nghiệm chẩn đoán chính xác và được sử dụng rộng rãi nhất trong phòng thí nghiệm là Phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase thời gian thực hoặc còn được gọi là phản ứng chuỗi polymerase định lượng (real time RT - PCR). Phương pháp có nguồn gốc từ kỹ thuật hạt nhân này được sử dụng để phát hiện sự hiện diện của vật liệu di truyền cụ thể của mầm bệnh, bao gồm cả virus. Chẩn đoán có thể được thực hiện bằng cách xác minh rằng vật liệu di truyền của mầm bệnh được tìm thấy trong mẫu từ bệnh nhân hoặc động vật. Một số bệnh có ít hoặc không có triệu chứng trong giai đoạn trước và thậm chí có thể bị nhầm với các tình trạng sức khỏe khác. Các phương pháp chẩn đoán y tế như chụp X-quang và y học hạt nhân, có thể được sử dụng để chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và theo dõi liên tục để kiểm soát tốt hơn sự lây lan của bệnh. Một kỹ thuật ứng dụng công nghệ bức xạ và hạt nhân khác là Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) có thể giúp ngăn ngừa, kiểm soát và thậm chí ngăn chặn sự phát tán của vật truyền bệnh trung gian. Hiện nay, các nghiên cứu về cách sử dụng SIT để kiểm soát muỗi mang bệnh vẫn đang được thực hiện. Một số vắc-xin bất hoạt khi vào trong cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch để chống lại nhiễm trùng. Hiện nay, vắc-xin được chiếu xạ là lựa chọn mới để kiểm soát dịch bệnh. Bức xạ có thể vô hiệu hóa mầm bệnh mà không ảnh hưởng đến cấu trúc của mầm bệnh. Trong nhiều thập kỷ qua, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã hỗ trợ nhiều quốc gia xây dựng năng lực chẩn đoán, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh nhanh chóng và chính xác. IAEA thường xuyên phối hợp với các đối tác như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), góp phần quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm ở cả động vật và người. ZODIAC: Con đường vượt qua đại dịch COVID-19 Sáng kiến Hành động tích hợp phòng ngừa các bệnh lây nhiễm từ động vật gây ra đại dịch (ZODIAC) được IAEA đưa ra vào tháng 6/2020 nhằm tăng cường năng lực của các quốc gia trong việc phát hiện, chẩn đoán sớm, phòng ngừa và kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh từ động vật. Sáng kiến này được thiết kế như một phương pháp tiếp cận toàn diện và có hệ thống giữa các ngành và lĩnh vực, đồng thời tích hợp các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm cả nhóm ứng phó để giải quyết các mầm bệnh truyền nhiễm từ động vật mới và hiện có. ZODIAC nhằm mục đích giúp các quốc gia chuẩn bị, đối phó và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh truyền từ động vật sang người, cũng như bảo vệ đời sống, kế sinh nhai và tình trạng kinh tế xã hội của hàng tỷ người trên toàn thế giới. Kỹ thuật hạt nhân là công cụ đáng tin cậy đã được chứng minh, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tra, phát hiện, ngăn ngừa và đẩy lùi sự bùng phát dịch bệnh từ động vật. Là một tổ chức hoạt động dựa trên nền tảng khoa học, IAEA là tổ chức duy nhất đảm nhận, điều phối và triển khai hiệu quả ZODIAC và hỗ trợ các quốc gia tăng cường khả năng chống chọi với các bệnh lây truyền từ động vật sang người. IAEA có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ xử lý các bệnh lây truyền từ động vật và động vật, đồng thời có phòng thí nghiệm chuyên dụng cũng như mạng lưới rộng lớn các đối tác phòng thí nghiệm thú y trên khắp thế giới. Vũ Thùy Vân, Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân Nguồn: iaea.org Tin Tức khác
|
Google translate Liên kết
Thư viện ảnh Thống kê truy cập |