Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong kiểm soát ruồi giấm góp phần thúc đẩy xuất khẩu trái cây ở Argentina sang Trung Quốc15:59:00 08/06/2020

Việc Trung Quốc vừa công nhận các vùng trồng anh đào và lựu của Argentina là khu vực không có ruồi giấm gây hại đã được đánh giá là một bước tiến triển lớn, nhờ đó các mặt hàng trái cây này có thể được xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nhất thế giới.

Với sự hỗ trợ của kỹ thuật hạt nhân, các khu vực trồng anh đào và lựu xuất khẩu của Argentina được Trung Quốc công nhận là khu vực không có ruồi giấm gây hại.

 

Để có thể đạt được kết quả này là nhờ việc ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Theo ông Carlos Pas, Chủ tịch Tổ chức Bảo vệ Thực vật Quốc gia Argentina (SENASA), đây là một cơ hội lớn cho tất cả những người trồng và xuất khẩu trái cây ở Argentina, những người đang tìm cách tiến vào thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Hoa Kỳ và Chile cũng đã công nhận các vùng không ruồi giấm gây hại này. Điều này có nghĩa là không còn cần tiến hành các cách thức tốn kém thời gian và tiền bạc để xử lý trái cây (bị ảnh hưởng của ruồi giấm) sau thu hoạch để phục vụ xuất khẩu.

Ông Anibal Caminiti, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu anh đào Argentina (CAPCI) cho biết, trong vụ mùa 2019-2020, Argentina đã xuất khẩu 5.600 tấn anh đào, đạt doanh thu 27,2 triệu USD, với một phần ba trong số này được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tình trạng không có dịch hại đối với các khu vực trồng trọt mới được công nhận này là kết quả của việc hợp tác hiệu quả, lâu dài của SENASA với các nhà sản xuất trái cây thông qua Chương trình kiểm soát và diệt trừ ruồi giấm quốc gia (PROCEM). Song song với đó là hợp tác với IAEA thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật, bao gồm chuyển giao công nghệ để hỗ trợ ứng dụng Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT).

Các chương trình kiểm soát ruồi giấm Địa Trung Hải (Ceratitis capitata) ở Argentina bắt đầu vào những năm 1990 tại vùng Patagonia và khu vực Bắc, Trung, Nam Oasis thuộc tỉnh Mendoza, Argentina. Với sự hỗ trợ về chuyên gia, đào tạo và chuyển giao công nghệ (trong đó có kỹ thuật SIT) đã cho phép phát triển và thực hiện kiểm soát dịch hại trên toàn khu vực. Các nỗ lực này đã giúp tạo nên các khu vực không ruồi giấm và giảm được các biện pháp xử lý sau thu hoạch.

Xử lý sau thu hoạch là khâu thường được các nước nhập khẩu yêu cầu để giảm thiểu sự xuất hiện của sâu bệnh và cũng là bước gây thêm chi phí sau khi thu hoạch. Bằng cách ứng dụng kỹ thuật SIT, nhu cầu xử lý sau thu hoạch giảm dần. SIT là phương pháp sử dụng chiếu xạ để gây bất dục côn trùng đực, sau đó số lượng lớn côn trùng bất dục này được thả vào tự nhiên dẫn đến giảm số lượng côn trùng gây bệnh theo thời gian.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có ba chuyến kiểm tra kỹ thuật tại Argentina vào năm 2018 và 2019 để xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật của các khu vực nêu trên. Theo đó, Vùng Patagonia và Trung, Nam Oasis thuộc tỉnh Mendoza đã đáp ứng được các yêu cầu cần thiết để được công nhận là khu vực không ruồi giấm. Từ đây, việc xử lý sau thu hoạch để đối phó với các vấn đề dịch hại không còn cần thiết nữa. Điều này có nghĩa là trái cây có thể được xuất khẩu ngay sau khi được thu hoạch và kiểm tra.

Tuy nhiên với sự công nhận mới này, tình trạng không có ruồi giấm phải được tích cực duy trì. Một mạng lưới giám sát với 4.740 bẫy ruồi giấm đã được thiết lập để sàng lọc giống ruồi giấm Nam Mỹ (loại ruồi giấm thường xuất hiện ở khu vực miền trung và miền bắc của Argentina) và các loại ruồi giấm không có nguồn gốc bản địa khác. Các mẫu trái cây cũng được thu thập và kiểm tra ngay tại các cánh đồng, trong các thị trấn và tại các trạm kiểm soát đặt dọc theo tuyến đường mà trái cây được đưa ra thị trường.

Giờ đây, khi các khu vực trồng trọt này được công nhận là khu vực không có dịch hại nhờ việc ứng dụng SIT và các biện pháp kiểm soát khác, việc xuất khẩu anh đào và lựu sẽ được đẩy mạnh. Hiện nay Argentina có khoảng 2.000 ha được sử dụng để trồng anh đào nằm trong khu vực không có ruồi giấm. Sự công nhận này có ý nghĩa rất quan trọng cho sự thành công của ngành xuất khẩu trái cây nước này.

 

Chứng nhận không ruồi giấm có nghĩa là trái cây có thể được xuất khẩu ngay sau khi thu hoạch và được kiểm tra, mà không cần thực hiện các biện pháp xử lý sau thu hoạch.

Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) là kỹ thuật sử dụng bức xạ ion hóa để gây bất dục các con côn trùng đực được sản xuất hàng loạt tại các cơ sở nuôi đặc biệt mà không làm ảnh hưởng đến khả năng giao phối của chúng. Sau đó, các con côn trùng đực này hoặc được thả trên mặt đất hoặc được thả từ không trung vào những khu vực mục tiêu, nơi chúng giao phối với những con cái trong tự nhiên, dẫn đến không sinh sản được và qua thời gian số lượng quần thể côn trùng gây hại sẽ suy giảm.

Trong khuôn khổ các dự án hợp tác kỹ thuật quốc gia nhằm thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phát triển kinh tế-xã hội, IAEA đã hỗ trợ cho Việt Nam dự án VIE5017 “Quản lý ruồi hại quả (thanh long) diện rộng trên cơ sở sử dụng kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT) nhằm nâng cao chất lượng quả phục vụ cho xuất khẩu”. Dự án này được triển khai thực hiện theo từng giai đoạn dưới sự chủ trì của Viện Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với sự tham gia của UBND tỉnh Bình Thuận và một số doanh nghiệp địa phương. Kết thúc giai đoạn đầu vào năm 2015, dự án đã có những kết quả rất tích cực, được IAEA ghi nhận và đánh giá cao, tạo cơ sở cho việc tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo 2016-2019. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí và các trang thiết bị chuyên dụng, IAEA còn cử chuyên gia sang giúp chuyển giao kỹ thuật SIT và các kỹ thuật liên quan như kỹ thuật nhân nuôi quần thể ruồi hại quả bằng thức ăn nhân tạo, đồng thời hỗ trợ trong việc triển khai áp dụng. Kết quả của dự án sẽ được ứng dụng trước tiên trên các trang trại trồng thanh long ở Bình Thuận, địa phương dẫn đầu cả nước về trồng và xuất khẩu thanh long.

 

Trần Xuân Bách, Phòng Thông tin năng lượng nguyên tử

Nguồn: IAEA