Xây dựng kỹ năng và tri thức sử dụng lò phản ứng nghiên cứu11:57:00 05/10/2020
Hiện nay, có khoảng một phần tư các quốc gia trên thế giới sở hữu lò phản ứng nghiên cứu. Mặc dù chủ yếu được sử dụng để nghiên cứu và ứng dụng, nhưng chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia trẻ và các chuyên gia đã thành danh làm việc tại các cơ sở hạt nhân, an toàn bức xạ và pháp quy hạt nhân. Sinh viên tiến hành thí nghiệm từ xa tại phòng thí nghiệm thời gian thực bằng cách kết nối với lớp học tại lò phản ứng nghiên cứu RA-6 ở Argentina. Ông David Sears, một quan chức cấp cao về an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết: “Lò phản ứng nghiên cứu cung cấp công cụ thực hành để hiểu sâu hơn những nguyên tắc cơ bản của việc vận hành lò phản ứng hạt nhân. Theo thiết kế, chúng có thể mô phỏng một cách an toàn các loại điều kiện khác nhau, những việc không thể tiến hành đối với lò phản ứng công suất”, IAEA hỗ trợ các khóa đào tạo quốc tế theo hình thức tại chỗ và từ xa, đồng thời tạo điều kiện hợp tác giữa các quốc gia để tăng khả năng tiếp cận các lò phản ứng nghiên cứu, nhằm đảm bảo sinh viên và chuyên gia về hạt nhân có thể nhận được những hỗ trợ mà họ cần bất kể ở nước họ có lò phản ứng nghiên cứu hay không. Theo Ông Christophe Xerri, Giám đốc Ban Chu trình nhiên liệu hạt nhân và công nghệ chất thải của IAEA, khi đề cập tới việc đào tạo và bồi dưỡng các chuyên gia về hạt nhân, hiện nay có nhiều lựa chọn khác nhau dành cho các quốc gia. Đào tạo từ xa Đối với sinh viên vật lý và kỹ thuật hạt nhân, các thí nghiệm sử dụng lò phản ứng nghiên cứu là công cụ học tập chính. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng có thể tới đây, đặc biệt đối với các nước không có lò phản ứng. Khoảng trống này hiện đang được khắc phục bởi các giải pháp thay thế, đó là dự án Phòng thí nghiệm lò phản ứng trực tuyến (IRL) của IAEA. Được thành lập vào năm 2015, IRL cung cấp một nền tảng thực tế, hiệu quả về chi phí cho việc đào tạo cả sinh viên và chuyên gia bằng cách kết nối lớp học ở bất kỳ đâu trên thế giới với lớp học liên quan đến vận hành lò phản ứng nghiên cứu qua internet. Điều này cho phép các học viên tham gia trực tiếp vào các thí nghiệm vật lý lò phản ứng và hiểu biết thêm về hoạt động của lò phản ứng. Ông José David Cremé Angel Bello, hiện là giáo sư và nhà nghiên cứu tại Khoa Vật lý Nguyên tử và Phân tử của Cuba, cho biết: “Khi tham gia IRL vào năm 2018, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về lò phản ứng, nhưng tôi chưa từng thấy lò phản ứng nào trước đây tại Viện cao cấp về Công nghệ và Khoa học ứng dụng ở Cuba. Dự án IRL là một trải nghiệm tuyệt vời cho quá trình đào tạo kỹ sư hạt nhân của tôi vì Cuba không có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, bởi vậy dự án này cho phép tôi thấy và thực hành những gì chúng tôi đã nghiên cứu trên lý thuyết, tương tác với lò phản ứng hạt nhân trong thời gian thực và tiến hành các thí nghiệm. Dự án đã giúp nhiều cho công việc của tôi”. Từ khi còn là một sinh viên kỹ thuật hạt nhân, ông Cremé đã được hưởng lợi từ dự án IRL thông qua thỏa thuận giữa IAEA và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Argentina (CNEA). Thỏa thuận được ký kết vào năm 2013 và tạo cơ sở cho dự án IRL ở Mỹ Latinh, đây là một trong những dự án IRL đầu tiên, bên cạnh dự án IRL với Pháp. Mặc dù dự án IRL với Pháp đã kết thúc với việc dừng hoạt động vĩnh viễn lò phản ứng của nước chủ nhà, nhưng các dự án IRL vẫn tiếp tục mở rộng sang Châu Phi, Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Âu, với các lò phản ứng của nước chủ nhà tại Cộng hòa Séc, Hàn Quốc và Maroc, và các lò phản ứng mới hiện đang được xem xét ở các khu vực khác của Châu Âu và Đông Nam Á. Đào tạo tại chỗ Trong khi IRL cung cấp khả năng tiếp cận đào tạo từ xa sử dụng lò phản ứng nghiên cứu, các khóa đào tạo trực tiếp, tại chỗ do IAEA tổ chức tiếp tục mang lại một hướng đi quan trọng trong việc xây dựng kỹ năng, kiến thức và mạng lưới. Trong nhiều thập kỷ, IAEA đã hỗ trợ và phối hợp đào tạo hàng trăm sinh viên, chuyên gia trẻ và chuyên gia đã thành danh. Các khóa học này bao gồm các chủ đề về vận hành và bảo trì, kiểm tra an toàn pháp quy, an ninh hạt nhân và bảo vệ thực thể cũng như các ứng dụng cụ thể, chẳng hạn như sản xuất đồng vị phóng xạ trong y tế và kiểm tra vật liệu trong công nghiệp. Luka Snoj, nhà vật lý lò phản ứng tại Viện Jozef Stefan của Slovenia, người cũng tham gia khóa đào tạo nhóm ngắn hạn của IAEA (fellowship) có tên Sáng kiến Lò phản ứng nghiên cứu Đông Âu (EERRI) cho hay: “Đó là một trải nghiệm vô giá khi đến thăm một lò phản ứng nghiên cứu, thực hiện một số thí nghiệm và cảm nhận cảm giác vận hành lò phản ứng. Sáng kiến EERRI bao gồm một khóa học 06 tuần dành cho các chuyên gia trẻ với nội dung tập trung vào tất cả các khía cạnh của lò phản ứng nghiên cứu. Nhiều người tham dự khóa học EERRI sử dụng kinh nghiệm và mối quan hệ từ các khóa học này để trở thành các nhà khoa học và kỹ sư thành công ở nước mình. Trong một số trường hợp, có người trở thành những chuyên gia hạt nhân hàng đầu. Đối với chúng tôi với tư cách là chủ nhà, EERRI là một phương thức quan trọng để tăng cường sự hiện diện quốc tế về lò phản ứng của chúng tôi và cho phép chúng tôi kết nối để hợp tác, tham quan khoa học và đào tạo dài hạn trong lĩnh vực này”. EERRI là một trong số các hoạt động được IAEA hỗ trợ, cùng với các hoạt động khác bao gồm các khóa học khu vực và các trường học về lò nghiên cứu ở Châu Phi, Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latinh. IAEA đã khởi động Hệ thống Trung tâm quốc tế trên nền tảng Lò phản ứng nghiên cứu (ICERR) vào năm 2014 để phục vụ việc đào tạo nâng cao hơn, cũng như tạo điều kiện tiếp cận rộng rãi hơn với các lò phản ứng nghiên cứu cho công việc nghiên cứu khoa học. Như một phần của hệ thống này, các trung tâm nghiên cứu chính trên thế giới tình nguyện cung cấp các cơ hội hợp tác quốc tế. Một quốc gia muốn tiếp cận ICERR phải trở thành thành viên, bằng cách ký một thỏa thuận song phương với ICERR. IAEA hỗ trợ quá trình này bằng cách chia sẻ thông tin về năng lực do ICERRs cung cấp. “Hệ thống ICERR đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong việc đào tạo nhân viên vận hành mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các lò phản ứng nghiên cứu phù hợp nhất với những thí nghiệm cụ thể”, Ông Xerri cho hay. Hiện Trung tâm ICERR có ở Bỉ, Pháp, Hàn Quốc, Romania, Nga và Mỹ. Đặng Chí Dũng, Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân Tin Tức khác
|
Google translate Liên kết
Thư viện ảnh Thống kê truy cập |